SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
4
9
7
3
Giới thiệu 01 Tháng Hai 2016 6:55:00 SA

Lễ tổ tiên ngày giỗ, Tết – Nét đẹp truyền thống của người Việt

Hàng năm, mỗi khi Tết đến Người Việt Nam ta có tục lệ dù đi làm ăn xa nhà vẫn luôn mong muốn trở về sum họp dưới mái ấm gia đình – nơi đã được sinh ra và lớn lên với những kỷ niệm đẹp thời niên thiếu, để được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên hay đi thăm viếng mộ người thân với biết bao tâm niệm thiêng liêng, tốt đẹp. Cụm từ “Về quê ăn Tết” đã trở thành thành ngữ chỉ cuộc hành hương về với nơi chôn nhau cắt rốn, với cội nguồn của mỗi con người.

Quan niệm phong tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ niềm tin linh hồn của người đã khuất vẫn còn hiện hữu trong thế giới này và ảnh hưởng đến đời sống của con cháu. Người Việt cho rằng chết chưa phải là hết, tuy thể xác tiêu tang nhưng linh hồn bất diệt và thường ngự trên bàn thờ để gần gũi, giúp đỡ con cháu, dõi theo những người thân để phù hộ khi họ gặp nguy khó, vui mừng khi họ gặp may mắn, khuyến khích họ làm những điều lành và cũng quở phạt khi họ làm những điều tội lỗi, do đó cũng ảnh hưởng đến hành động và cách cư xử của những người còn sống trong gia đình, họ thường tránh làm những việc xấu vì sợ vong hồn ông bà, cha mẹ buồn. Họ cũng tin rằng dương sao thì âm vậy, khi sống cần những gì thì chết cũng cần những thứ ấy, cho nên dẫn đến tục thờ cúng.

 Bên cạnh đó, người Việt còn quan niệm thế giới vô hình và hữu hình luôn có sự quan hệ liên lạc với nhau và sự thờ cúng chính là môi trường trung gian để hai thế giới này gặp gỡ.  Vì vậy, tùy hoàn cảnh từng nhà, bàn thờ dù to hay nhỏ nhưng vẫn được đặt ở nơi cao ráo và luôn được giữ gìn sạch sẽ, có bày bát hương, lọ hoa để cúng bái những ngày giỗ Tết. Có những gia đình lúc nào trên bàn thờ cũng nghi ngút vài nén hương, không để nguội lạnh, vì họ cho rằng điều đó sẽ đem lại sự yên lành cho con cháu.

Ngoài ra, thờ cúng tổ tiên còn là biểu hiện của lòng hiếu thảo và nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và nhớ về cội nguồn của mình. Vì thế, vào những ngày Tết, trước bàn thờ gia tiên, mọi người thường mặc những bộ quần mới, tươm tất, cử chỉ nghiêm trang, tâm hồn trong sáng để cúng váy, cầu mong mọi điều tốt lành, thuận lợi trong năm mới. Sự tín ngưỡng ấy đã góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Việc thờ cúng tổ tiên còn mách bảo con cháu về ý thức giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy chung, tu thân, hướng thiện. Xuất phát từ quan niệm đó, đối với nhiều người Việt Nam, việc kỷ niệm ngày sinh nhật, ngày tân gia… không quan trọng và ý nghĩa bằng ngày giỗ của người thâni. Dù gia đình nghèo cũng phải làm mâm cơm, thắp hương cúng bái, mời vài người thân đến tham dự. Thật vậy, người con hiếu thảo phải biết ơn công sinh thành, nuôi dưỡng của cha m và để tỏ lòng hiếu lễ với cha mẹ thì phải biết ơn Tổ tiên, ông bà đã khuất. Vì thế, ca dao xưa đã ví rằng:

Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng, sông sâu

Có nghĩa là: con người ta phải có tổ tiên mới có các thế hệ hôm nay. Con cháu không nhớ đến công ơn tổ tiên, chính là quên mất nguồn gốc bao đời của mình.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc thờ phụng Tổ tiên lại càng có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực hơn bao giờ hết, giúp cha mẹ giáo dục con cháu lòng biết ơn, hiếu thảo, có ý thức học tập tấm gương, đạo đức, nhân cách trong sáng, tinh thần lao động cần cù, vượt khó của cha ông, động viên thế hệ trẻ cố gắng khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nỗ lực phấn đấu để ngày càng hoàn thiện nhân cách. Việc thờ cúng Tổ tiên còn là cơ hội để giữ gìn, củng cố và phát triển mối quan hệ họ hàng, anh em cùng dòng họ. Từ đó làm gắn bó thêm các mối quan hệ chú bác, cô dì, con cháu bên nội, bên ngoại.

Không biết tự bao giờ những ngày giỗ, ngày tết đã trở thành dịp để tập hợp đầy đủ họ hàng, thân thích gần xa, gặp gỡ trò chuyện cùng nhau, trước là để cúng bái tổ tiên, sau là để chuyện trò, thăm hỏi, chia sẻ vui buồn, khó khăn và tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Đây là một nét đẹp truyền thống văn hóa tinh thần mà mỗi chúng ta cần phải góp phần gìn giữ và phát huy để cuộc sống hôm nay và mai sau càng thêm ý nghĩa.

Thảo Phương – UBND P14 


Số lượt người xem: 9936    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm