SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
6
2
6
2
3
Di tích lịch sử Quận 8 01 Tháng Mười Hai 2010 1:25:00 CH

Đình Vĩnh Hội

 

 

 

Cổng đình Vĩnh Hội

I.          Sơ nét:

Đình Vĩnh Hội tọa lạc tại số 46 đường Đình Hòa, phường 13, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh (từ thời Pháp thuộc đến nay, đường được đổi tên là Đinh Hòa). Trong địa bàn tỉnh Gia Định, thôn Vĩnh Hội thuộc Tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, Phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, được thành lập trong khoảng thời gian từ năm 1818 đến năm 1836. Khi thôn ổn định, đình cũng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu xã hội và tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn cư trú.

II.           Lịch sử di tích:

Trong địa bàn tỉnh Gia Định, thôn Vĩnh Hội thuộc Tổng Tân Phong Trung, huyện Tân Long, Phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định, được thành lập trong khoảng thời gian từ năm 1818 đến năm 1836. Khi thôn ổn định, đình cũng được xây dựng để đáp ứng nhu cầu xã hội và tín ngưỡng của nhân dân trên địa bàn cư trú.

Các vị thần linh được thờ phụng trong đình:

-       Thần Thành hoàng bổn cảnh

-       Tả ban

-       Hữu ban

-       Ngũ hành nương nương

-       Các đời tổ sư

-       Hội đồng nội

-       Hội đồng ngoại

-       Đông hiến

-       Tây hiến

-       Thần Tài

-       Thổ Địa

-       Thần Hổ

III.        Khảo tả di tích:

Đình Vĩnh Hội tọa lạc ở khu thị tứ, trên khuôn viên rộng gần 700m2 . Cổng đình nằm sát đường Đinh Hòa. Sau hàng rào song sắt là bàn thờ và phù điêu Thần Hổ.

Trước kia nội thất đình gồm võ ca, chính điện, nghĩa từ, nhà túc. Năm 1985, võ ca bị sập đổ vì mối mọt, nay khu vực này là khoảng sân trống. chính điện và nghĩa từ có chung một nếp nhà, xây kiểu nhà năm gian, cột kèo gỗ, mái ngói, sàn lát gạch hoa; các án thờ tập trung vào ba gian giữa được trang trí hai lớp bao lam, mỗi lớp ba bức, giăng giăng bốn hàng cột.

Án thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh bày ở gian giữa. Ngang với án thờ Thần, ở gian bên trái là án thờ Tổ sư đối xứng với án thờ Ngũ hành nương nương ở gian bên phải. Hai bên vách chính điện có bàn thờ Tả ban và bàn thờ Hữu ban đặt đối mặt nhau. Bên trái bài vị Tả ban có bàn thờ nhỏ thờ Quan đế.

Ở gian giữa, trước án thờ thần có án thờ Hội đồng nội; bên phải là bàn thờ Thổ Địa và bàn thờ Thần Tài. Gần cửa ra vào là án thờ Hội đồng ngoại. Ngang với án thờ này, ở hai bên là án thờ Đông hiến và án thờ Tây hiến. Ở khoảng trống giữa ba án thờ này có tượng Bạch mã thái giám và tượng ngựa Xích Thố.

Nghĩa từ cách chính điện một bức tường xây ngang ba gian nhà giữa. Khám thờ Tiền hiền Hậu hiền quay lưng và bức tường này, hướng về phía nhà túc. Ngoài bài vị Tiền hiền Hậu hiền trong khám thờ còn có khá nhiều bài vị thờ các vị có công với làng xã, lư hương, chân nến, bình hoa.

IV.  Các hiện vật trong di tích:

Đình Vĩnh Hội là di tích kiến trúc nghệ thuật. Hiện nay, các hiện vật có giá trị còn được lưu giữ và bảo tồn trong đình gồm:

-             Ba cặp liễn (bằng gỗ).

-             Sáu bao lam điện thờ (bằng gỗ).

-             Cặp Tượng Qui-  Hạc (gỗ).

-             Hai bộ lỗ bộ (đồng, gỗ).

-             Tượng Bạch mã thái giám (gỗ).

-             Tượng ngựa Xích Thố (gỗ).

-             Chuông (đồng).

-             Trống (da gỗ).

-             Tượng thần tài, tượng Thổ Địa (thạch cao).

-             Hai bộ binh khí (đồng, gỗ).

-             Bộ bát bữu (đồng, gỗ).

-             Và các án thờ.

 

Liễn đối

 

Tượng Quy – Hạt

 

Tượng ngựa Xích Thố

Nổi bật trong các hiện vật bằng đồng là Đỉnh trầm mắt tre và Đỉnh trầm trái đào, tiêu biểu cho nghệ thuật đúc đồng ở Sài Gòn – Gia Định cuối thế kỷ 19.

 

Đỉnh trầm mắt tre

 

Đỉnh trầm hình quả đào

Nghệ thuật trang trí đình Vĩnh Hội cũng nằm trong mô típ trang trí đình làng Nam Bộ với các bao lam chạm phụng hoàn triều nguyệt, mẫu đơn trĩ, các khám thờ chạm long trụ, lưỡng long tranh châu, mai – điểu, trúc – hạt. Các mảng chạm có bố cục đơn giản nhưng đường nét sắc xảo, tinh tế, từng cánh hoa mẫu đơn, từng chiếc lá nhỏ, từng cái vẫy rồng, cụm mây được thể hiện tỉ mỉ, sinh động.

V.          Các hình thức sinh hoạt lễ hội:

Hàng năm, đình Vĩnh Hội có ba kỳ tế lễ lớn là:

Lễ Kỳ Yên: ngày 16 tháng giêng âm lịch.

Lễ Vía Bà: ngày 16 tháng 7 âm lịch.

Lễ cúng Tổ đình: ngày 16 tháng 8 âm lịch.

VI.        Giá trị của di tích:

Vĩnh Hội là thôn làng người Việt được hình thành khá sớm ở Nam Bộ, mà dấu ấn di tích còn lại ngày nay là Đình Vĩnh Hội. Từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, khi khu vực Xóm Củi còn nhiều kênh rạch chằng chịt, đình Vĩnh Hội tọa lạc tại nơi sầm uất trên bến dưới thuyền. Về sau, do đô thị hóa, do dân cư lấn chiếm, đình mất dần đi sự uy nghi, bề thế. Đợt trùng tu năm 1985 làm mất đi võ ca và thay đổi vật liệu kiến trúc đã làm giảm giá trị của một ngôi đình cổ. Tuy vậy, đến nay đình còn giữ được kiểu nhà 5 gian và kết cấu cột kèo gỗ.

Tín ngưỡng và lễ hội ở đình Vĩnh Hội được giữ gìn, tiếp nối đời này qua đời khác thể hiện khát vọng của nhân dân về một cuộc sống yên bình, no ấm.

Đình Vĩnh Hội được bảo quản tương đối tốt. Hiện nay đình Vĩnh Hội được quản lý bởi Ban quản trị do hội viên bầu ra để bảo vệ và phát huy giá trị di tích Đình Vĩnh Hội.

 

Bằng công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật đình Vĩnh Hội

VII.              Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích:

Ngày 13/10/2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 4345/QĐ-UB xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích kiến trúc nghệ thuật đình Vĩnh Hội và được khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam.

VIII.            Tư liệu tham khảo – bổ sung:

Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Gia Định (Tp Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An), NXB thành phố Hồ Chí Minh.

 


Số lượt người xem: 18012    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm