SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
4
4
3
1
5
Quy hoạch & Kế hoạch sử dụng đất 22 Tháng Mười Một 2013 4:45:00 CH

Định hướng sử dụng đất dài hạn trên địa bàn Quận 8

1. Định hướng sử dụng đất nông nghiệp

Đến nay, trên địa bàn diện tích đất nông nghiệp ít (chiếm 13,95% diện tích tự nhiên, thực tế đến thời điểm hiện nay hầu như không còn sản xuất nông nghiệp) cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngành nông nghiệp yếu kém, tốc độ phát triển đô thị ngày càng cao do vậy theo định hướng phát triển của Thành phố và Quận: Trong thời gian tới, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đáp ứng yêu cầu cho các mục đích phi nông nghiệp (phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ, xây dựng đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng,…).

2. Định hướng sử dụng đất phi nông nghiệp

* Đất đô thị:

Phát triển đô thị mới mạnh về phía Tây Nam của Quận (khu vực phường 7, phường 16) trên diện tích đất nông nghiệp. Khu vực này là khu vực trọng điểm phát triển đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn bộ vùng phía Đông của Quận là vùng đô thị hình thành từ lâu đời, trong giai đoạn tới tập trung cải tạo, chỉnh trang và hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện thành công dự án cải tạo môi trường nước toàn khu vực.

Các nhà máy xí nghiệp nhỏ lẻ rải rác trong khu dân cư dần chuyển mục đích sang xây dựng nhà ở và hệ thống các công trình công cộng phục vụ nhu cầu ngày càng tăng trên địa bàn.

* Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp

Tiếp tục nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất các công trình hiện có để sử dụng. Bố trí đủ đất cho mở rộng và xây dựng mới một số trụ sở của các ban ngành, hội, đoàn và trụ sở UBND các phường.

* Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp

Các cơ sở sản xuất kinh doanh không nằm trong hệ thống các công trình chuyển đổi mục đích sử dụng, cần thiết phải phối hợp cùng các cơ sở khác và các cơ quan chức năng để cải tiến công nghệ, cải tiến hoạt động theo hướng hiện đại hóa.

Trong các khu vực sản xuất tập trung phát triển mới ưu tiên phát triển các ngành nghề có công nghệ cao, công nghệ sạch có giá trị hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị tăng thêm lớn để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững của sản phẩm hàng hoá. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Hình thành và phát triển khu sản xuất kinh doanh (khu công nghiệp sạch - nối tiếp khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh).

* Đất phát triển hạ tầng

Với phương châm tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Tập trung khôi phục và nâng cấp các công trình hiện có; kết hợp xây dựng mới một số công trình phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức phục vụ cho cộng đồng dân cư. Phát triển các công trình mới phải đảm bảo về mật độ cũng như diện tích xây dựng theo tiêu chuẩn của các ngành.

* Đất nghĩa trang, nghĩa địa

Theo định hướng của Thành phố cũng như của Quận trong giai đoạn tới chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nghĩa trang, nghĩa địa của quận sang sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp khác.

* Đất tôn giáo, tín ngưỡng

Duy trì, bảo vệ và tôn tạo các công trình tôn giáo, tín ngưỡng hiện có, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh và phát triển nét đẹp văn hóa của người dân.

* Đất bãi thải, xử lý chất thải

Trước tình hình ô nhiễm môi trường tại Quận 8 (đặc biệt là môi trường nước), trong thời gian tới từng bước hoàn thiện dự án cải tạo môi trường nước và hình thành một hệ thống đồng bộ về công tác quản lý và xử lý chất thải rắn tại các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, bệnh viện nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện tại hóa và đô thị hóa.

* Nhiệm vụ và giải pháp

- Xây dựng các chương trình, dự án trọng điểm, nhất là các giải pháp ngăn chặn triều cường, giải pháp di dời nhà ở ven kênh, rạch, cải tạo môi trường nước, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất theo hướng phát triển bền vững.

- Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất có lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu cho các đô thị, khu vực dân cư, đặc biệt những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng của triều cường, lũ lụt. Bố trí tối ưu nhu cầu sử dụng đất cho các dự án, công trình đã được ghi trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các công trình kè sông, kênh, rạch và dự án cải thiện môi trường nước.

- Xây dựng tuyến đê, bờ kè kiên cố có tính đến độ cao triều cường ở thời điểm đạt đỉnh (mức báo động 3) ở khu vực phường 7, phường 16 và phường 6, đến năm 2015 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đê bao, bờ kè cho phường 6, phường 7, phường 16, đến năm 2020 hoàn thành cho bờ Bắc Kênh Đôi (khu vực phường 8, phường 9, phường 10, phường 11 và phường 12) và hoàn thành dự án cải tạo rạch Nhụy - rạch Ruột Ngựa. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước trong khu dân cư, khu đô thị nhằm điều tiết lượng nước trên các kênh, rạch và tạo điều kiện thoát nước kịp thời khi ngập lụt xẩy ra. Đến năm 2020, 95% các tuyến phố có hệ thống thoát nước hiệu quả.

- Quy hoạch và quản lý nguồn nước ngầm và nước mặt, đồng thời bảo vệ môi trường nước, kiểm soát các nguồn thải xả vào môi trường nước, chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác động tới tài nguyên nước. Xây dựng các công trình cấp nước, các thiết bị trữ nước cho các hộ dân, sử dụng nguồn nước khoa học, tiết kiệm và hợp lý, phấn đấu đến năm 2015 có 100% dân cư đô thị sử dụng nước sạch, đảm bảo lượng nước cấp đủ nhu cầu sử dụng của người dân.

- Tăng cường trồng cây phân tán, cây xanh đô thị. Tăng cường công tác bảo vệ hệ thống đê, kè bao kênh rạch, bảo vệ hệ sinh thái.

- Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn chế tác hại của nước biển dâng, triều cường. Xây dựng các công trình có cao độ trên mức báo động 3, đặc biệt khu vực sản xuất, khu thương mại, dịch vụ trọng điểm.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn năng lượng; khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời; tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt, trong giao thông vận tải, trong sản xuất và chiếu sáng công cộng;

- Hạn chế và chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất có lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính cao, gây ô nhiễm môi trường; áp dụng công nghệ mới, công nghệ sản xuất sạch hơn để giảm phát khí thải;

- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương và địa phương) trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đảm bảo cho việc đầu tư các dự án cấp bách và khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường thu hút nguồn vốn tài trợ nước ngoài; ưu tiên sử dụng các nguồn vốn ODA không hoàn lại trong việc nâng cao năng lực, chuyển giao tri thức khoa học, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tham gia cung cấp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển thành phần kinh tế để gia tăng nguồn đầu tư vào ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

(Tổng hợp: Xuân Hồng - VPUBNDQ8)

Nguồn: Phòng TNMT Q8

 

 


Số lượt người xem: 8999    
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Không tiêu đề
Object reference not set to an instance of an object.
Tìm kiếm