SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
5
4
3
0
2
Tin tức sự kiện 15 Tháng Chín 2010 10:40:00 SA

Bài viết cảm nhận đạt giải nhất Hội thi sáng tác thơ, viết cảm nhận và thực hiện các ấn phẩm về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Cán bộ, đảng viên phải có đức, có tài

Khi ngồi viết bài về chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, lòng tôi cuộn lên nỗi nhớ thương da diết, như tình cảm của Bác đã thấm sâu vào máu thịt, hơi thở làm tôi bồi hồi xúc động. Bởi lẽ đất nước ta, dân tộc ta, gia đình và bản thân mỗi chúng ta ngày nay được sống trong hòa bình, hạnh phúc,sung sướng và không ngừng phát triển vững mạnh, sánh vai cùng bạn bè năm châu, bốn biển là do sự hy sinh trọn cuộc đời với biết bao gian khổ của Bác cùng với những thế hệ anh hùng, chiến sĩ, đồng bào hy sinh để dành lấy cho chúng ta.

Là một cán bộ đảng viên trẻ ngành Tòa án, được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam tôi đã phấn đấu học tập, rèn luyện đóng góp công sức cho ngánh, cho xã hội. Tôi luôn nhận thức Đảng ta chiến đấu vì lợi ích của giai cấp vô sản, người lao động và dân tộc. Vì vậy tôi không ngừng phấn đấu học tập trau dồi và đóng góp công sức cho ngành, cho địa phương.

Là một đảng viên, một công dân, tôi hết sức tâm đắc về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tôi cho rằng, đây là cẩm nang hết sức cần thiết trong hành trang của từng đảng viên, của từng cán bộ và tất cả những người Việt Nam chân chính, với hoài bảo và tâm nguyện muốn cho đất nước mình phát triển, Dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên thế giới, theo ước nguyện lúc sinh thời của Bác Hồ. Tôi nghĩ cuộc vận động này mở ra đúng lúc, vì hiện nay trong đảng của ta, nhân dân ta, quân đội ta có rất nhiều người sống đẹp, luôn luôn làm được nhiều việc tốt, nhưng vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất làm nghèo đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Khi Đảng chủ trương chỉnh đốn bằng một tư tưởng mới “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua 3 năm thực hiện cuộc vận động, Đảng đã chỉ đạo sơ kết, rút ra kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện. Năm 2010 tiếp tục thực hiện cuộc vận động với chủ đề “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Ngành Tòa án nhân dân cũng đã phát động phong trào thi đua với chủ đề “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Bản thân tôi đã đăng ký chương trình phấn đấu rèn luyện năm 2010. Cuộc vận động đã bước vào năm thứ 4, tại cơ quan Chi bộ Tòa án nhân dân Quận 8 cũng đã có nhiều đồng chí tiếp tục ra sức phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành về nhận thức cũng như hành động “làm theo”. Trong lễ chào cờ, giao ban tuần đều sinh hoạt tuyên truyền các bài viết chuyên đề về cuộc vận động. Qua đó, đã có tác động rất lớn trong công tác thực tế, nhiều đảng viên, cán bộ công chức đã thực hiện nhiệm vụ rất tích cực, gần dân hơn và được nhân dân tin hơn, chất lượng công việc được nâng lên.

Tác động của việc thực hiện cuộc vận động đa số cán bộ công chức đơn vị đều tăng tốc độ làm việc, làm việc ngoài giờ, làm việc ngày thứ 7, làm việc thiện, giúp đỡ hỗ trợ cho người nghèo, đóng góp quỹ nghĩa tình ngành tòa án nhân dân. Có đảng viên chi bộ tại nơi cư trú đã âm thầm giúp đỡ người nghèo. Tình thương con người thể hiện rõ nét, làm được các điều trên do có sự lãnh đạo, phát động từ quận ủy, các ban ngành đoàn thể địa phương cũng thực hiện đã dấy lên một đợt học tập sâu rộng và đã gặt hái được những kết quả khả quan.

Trong cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi tâm đắc nhất là: đội ngũ cán bộ đảng viên phải có đạo đức, có tài; Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; Có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, là một tấm gương sáng để nhân dân tin và noi theo; Luôn luôn học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt, là làm theo lời Bác dạy: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”; “phải có chính trị trước rồi mới có chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng…Đức phải có trước tài“; “cũng như sông có nguồn thì mới có nước. Không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân…”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giáo dục để mỗi cá nhân xác định đúng vai trò, vị trí của mình trong bộ máy chính quyền, trong từng tập thể…Theo Bác “Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng. Thí dụ: Trong một cái đồng hồ, những cái kim chạy suốt ngày đêm, nếu những cái kim cũng muốn đứng lại như chữ số thì không thành cái đồng hồ nữa”.

Lời huấn thị của Bác tuy giản dị, nhưng sâu sắc: Mỗi bộ phận trong cái toàn thể đều có vai trò nhất định và hoạt động vì mục đích chung. Mỗi cơ quan, đơn vị đều có các bộ phận chức năng, trong mỗi bộ phận lại có những bộ phận nhỏ và cuối cùng là từng cá nhân với chức trách, nhiệm vụ cụ thể. Một người không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cả một tập thể. Giống như trong cái đồng hồ, khi các kim không chạy đều thì đồng hồ sẽ nhanh hoặc chậm…

Thấm nhuần lời Bác dạy, bản thân tôi luôn ý thức được công việc của mình là quan trọng. Tôi luôn thực hiện tốt lời dạy của Bác đối với ngành tòa án “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Là một thư ký nghiệp vụ của ngành tòa án, tôi tự thấy công việc của tôi là không thể tách rời trong tập thể. Trong công tác tôi luôn luôn chăm lo tu dưỡng đạo đức cách mạng, củng cố tư tưởng, trau dồi nghiệp vụ để có nghiệp vụ chuyên môn vững vàng, không để mắc các khuyết điểm, sai sót, phục vụ tốt hơn cho công việc. Từ đó hiệu quả công việc của tôi được nâng cao. Trong công tác tiếp xúc nhân dân hàng ngày tôi luôn có thái độ thân thiện, ân cần, nhã nhặn với nhân dân. Từ đó, người dân sau buổi làm việc tiếp xúc ra về với thái độ hài lòng, vui vẻ. Từ đấy tôi thấy lòng mình hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mà ngày ngày tôi nhân lên bằng tháng từng năm. Và từ đó nhân dân cảm thấy đến pháp đình không còn là một nỗi lo lắng vì thái độ công chức.

Rồi những chuyến công tác trước đây đối với tôi như là 1 nghĩa vụ bắt buộc. Nhưng giờ tôi thấy đó là một công việc phải làm của người cán bộ. Khi đi công tác dù xa xôi tôi vẫn vui vẻ vì tôi nghĩ công việc của mình phải làm là đảm bảo quyền lợi của nhân dân và vì mình làm được những điều có ích. Tôi đến nhà dân tống đạt trực tiếp giải thích ân cần để người dân nhận được quyết định, thông báo của tòa, và họ hiểu đến Tòa án vừa là nghĩa vụ nhưng cũng đồng thời là quyền lợi chính đáng của mình. Từ đó công việc của tôi có ích hơn, hiệu quả hơn. Chính từ đó tôi hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân dân, người dân cảm thấy hài lòng với 1 người cán bộ có trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Và càng ngày tôi cảm thấy yêu hơn công việc của mình đang làm càng thấy gắn bó hơn bởi vì đó là một công việc có ý nghĩa, góp phần giải quyết án tại cơ quan, làm tốt công tác triệu tập đương sự đến tòa để tăng cường công tác hòa giải trước khi phải mở phiên tòa xét xử.

Đấy, từ một bài học đơn giản của Bác về hình tượng chiếc đồng hồ. Nhưng đối với tôi đó là một bài học lớn, một quan điểm sống có ý nghĩa. Trong một tổ chức mỗi cá nhân phải phát huy sở trường của mình, gắn bó công việc của mình. Phải ý thức được công việc của mình, dù là công việc gì cũng đều là quan trọng, đều cần thiết. Phối hợp nhịp nhàng với nhiệm vụ chính của cơ quan. Có như vậy bản thân mình mới chú tâm vào công việc đó, mang lại hiệu quả công việc của mình cũng là góp phần vào hoàn thành công việc chung của đơn vị.

Ngược lại cứ “đứng núi này trông núi nọ”, không kiên định lập trường, không yên tâm thực hiện nhiệm vụ, lợi dụng tổ chức bình phong để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đây đó vẫn còn tình trạng vì tình cảm riêng, cục bộ mà xếp việc một cách “Ngẫu hứng” tạo ra những bộ phận chồng chéo. Người có năng lực thì không phát huy được trình độ, sở trường, người không làm việc được thì “ngáng chổ…” sẽ dẫn đến hậu quả đơn vị đó, tổ chức đó sẽ bị xáo trộn, trì trệ, không phát triễn.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta hãy xác định là tròn chức năng, nhiệm vụ của mình như “chiếc kim đồng hồ” cần mẫn “đếm” thời gian.

Để học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức của Bác, bản thân tôi nghĩ phải luôn phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất đạo đức cách mạng. Bác đã dạy, sống gương mẫu, không ngừng học tập nâng cao kiến thức mới, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ra sức giáo dục con cháu, người thân trong gia đình và vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, mạnh dạn đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí, tích cực tham gia đóng góp công sức xây dựng xã hội, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và Đoàn thể vững mạnh, để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Mỗi cán bộ, Đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân nghiêm túc tự phê bình và phê bình, kiên quyết chống quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân. Chống tham nhũng, chống lãng phí tiêu cực, để xây dựng bằng được nếp sống đẹp, sống giản dị, chân thành, khiêm tốn, hết lòng vì dân, vì nước, nói phải đi đôi với làm. Phải ra sức học tập, không ngừng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, kiên quyết phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta.

Làm được như thế là chúng ta đã thực hiện theo tinh thần cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà Đảng ta đang phát động đóng góp công sức xây dựng xã hội, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và đoàn thể vững mạnh, để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn./.

(Nguyễn Thị Phúc)

 


Số lượt người xem: 3231    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm