SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
0
5
3
7
3
Tin tức sự kiện 17 Tháng Mười Một 2011 3:00:00 SA

Người Thầy chấp cánh hi vọng của trẻ khiếm thính

Đóa hoa tươi thắm, lời chúc tốt đẹp, lời cảm ơn chân thành và đôi khi có cả sẻ chia về thành công trong cuộc sống… là những món quà quý giá nhất người học trò thường chọn dâng tặng thầy cô kính yêu nhân ngày Tri ân nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhưng,  đối với thầy cô trường Mầm non chuyên biệt Hy Vọng Quận 8 thì hạnh phúc lớn nhất là được nhìn thấy học sinh của mình phát triển như bao đứa trẻ bình thường khác. Nhìn vào những ánh mắt ngây ngô, những nụ cười hồn nhiên và nghe những câu nói rời rạc… tôi đã tự hỏi, có bao giờ các em thấu hiểu được tấm lòng và sự hi sinh cao cả của người Thầy?...

Có lẽ những ai từng chứng kiến, tiếp xúc mới cảm thông với hoàn cảnh khó khăn mà các em khiếm thính gặp phải và đồng cảm với sự hi sinh âm thầm của Thầy, Cô trường chuyên biệt Hy Vọng, từng ngày bên cạnh dìu dắt, dạy dỗ các em. Môi trường làm việc “đặc biệt” ấy không chỉ đòi hỏi ở người Thầy một tấm lòng cao cả mà còn cần phải có tình thương yêu đầy nhân ái thấu hiểu được những nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn, cùng hòa vào cuộc sống với các em kém may mắn.

Càng ngưỡng mộ hơn khi tôi bắt gặp được hình ảnh một “người cha” đang tận tụy với những đứa con bất hạnh của mình - Thầy Nguyễn Văn Be, hiện đang đảm nhiệm công việc đo thính lực, sửa máy trợ thính, dạy lớp 4… tại Trường chuyên biệt Hy Vọng (số 86/10-12 Hưng Phú - Phường 8 - Quận 8 - TP. Hồ Chí Minh). Những lời chỉ dẫn nhẹ nhàng, giải thích ân cần, tận tình dạy dỗ các em… như để nói lên một điều đơn giản “Thầy yêu học trò và quý mến mái trường này”…

Đã 14 năm nhưng ấn tượng của Thầy về ngày đầu tiên đến nhận công tác tại trường vẫn mới như ngày hôm qua. Những ánh mắt, những lời chào “..ú…ớ..”  không thành câu… đã làm thầy Be xúc động, có điều gì đó thôi thúc Thầy vượt qua nỗi ngỡ ngàng khi đứng trước ngôi trường toàn giáo viên nữ và những đứa trẻ đặc biệt. Ngày thầy về với trường, có biết bao câu hỏi, những điều nghi ngại của bạn bè, đồng nghiệp, cả người thân… dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khiếm thính càng khó hơn nhưng với tình yêu dạt dào dành cho trẻ cùng với lòng nhiệt huyết đã giúp Thầy Be gắn bó với công việc của mình. Thầy mau chóng hòa mình vào môi trường ấy với sự nhiệt tình, ham thích và đầy sáng tạo.

 

 

 

Không ít lần trước khi trả lời câu hỏi của tôi, thầy Be ngập ngừng, lặng đi một lúc, gương mặt thầy còn điều gì đó trăn trở, lo toan; chất chứa trong ánh mắt Thầy nhìn các em là nỗi niềm chưa thể nói, chưa thể bày tỏ hết, “Không biết rồi tương lai của các em mai này sẽ ra sao?!” Tấm lòng của Người thầy là vậy…

Thầy dắt tôi đến một căn phòng nhỏ, hẹp nhưng rất gọn gàng - nơi Thầy làm việc. Chính nơi nhỏ hẹp ấy đã nuôi nấng, chắt chiu biết bao suy tư, bao nỗi đắn đo và cả những ý tưởng tốt đẹp của thầy Be. Ước muốn đầu tiên của Thầy là sau cho tất cả các em điều có được một chiếc máy trợ thính, Thầy hiểu được hạn chế của các em là khả năng “nghe”, mà phải nghe được thì các em mới có thể nói được, từ đó giúp các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng tốt hơn: công trình “Làm núm tai nghe cho trẻ khiếm thính” nằm trong trăn trở ấy được Thầy ấp ủ, kiên trì nghiên cứu và tự chế tạo… việc làm đó có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp mang lại âm thanh cho trẻ khiếm thính và cho những người dân bị điếc ở cộng đồng (20 tỉnh thành cả nước); Đồng thời, Thầy là người luôn tận tâm hướng dẫn, cùng luyện tập với học trò khiếm thính của mình tham dự Hội thi thể thao học sinh khuyết tật, giúp các em đạt Huy chương Vàng môn kéo co nam, Huy chương Bạc môn kéo co nữ năm 2009; Thầy được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Bằng khen với thành tích trong công tác chương trình tiếng nói và âm thanh cho người khiếm thính năm 2009; Nhận giải thưởng Võ Trường Toản cao quý năm 2010; Năm 2011 Thầy được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam…

Có thể nói Thầy chính là người đã chắp cánh cho những ước mơ của các em bay cao, giúp các em tự tin hòa nhập vào cộng đồng như bao trẻ bình thường khác, cung cấp hành trang kiến thức để các em bước vào đời…

Điều Thầy mong muốn nhất ở hiện tại không phải là nhà cửa, xe cộ, tiền bạc hay cuộc sống đầy đủ tiện nghi cho bản thân mà là xây được một căn phòng đảm bảo các tiêu chuẩn để đặt chiếc máy đo khiếm thính, vì nhờ việc đo đúng mức độ nghe, hiểu mới giúp các em có thiết bị trợ thính phù hợp, tạo cơ hội học tập, hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Tâm tư của Thầy không dành cho riêng bản thân mình, Thầy nói về nỗi trăn trở bao năm qua như nói lên chính nguyện vọng, mơ ước của học trò mình “mong sau người thân, bạn bè, xã hội… không xa lánh và hãy hiểu cho hoàn cảnh những người bị khiếm thính”.

 

 

 

Để trở thành giáo viên dạy trẻ cần rất nhiều nhẫn nại và kiên trì nhưng dạy cho trẻ khiếm thính thì điều này lại càng quan trọng hơn, Thầy cô thường mất nhiều thời gian và công sức, muốn các em ghi nhớ một điều gì thì luôn phải nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, vừa dùng ngôn ngữ ký hiệu, vừa phải kết hợp với khẩu hình miệng để dạy các em phát âm cho quen. Những điều ấy đã ươm mầm cho bao ước mơ, hoài bão của các em… và có không ít những hạt giống đã nẩy mầm, vươn mình đón nhận ánh sáng của hi vọng, của thành công. Điều đó đã khẳng định niềm tin đúng đắn, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực giúp Người thầy vững bước trên con đường mình đã chọn.

Khi chạy theo cuộc sống bộn bề, nhiều lo toan không ít thầy cô giáo bên cạnh những niềm vui được học trò, xã hội quan tâm và tôn vinh, vẫn còn đó những nỗi niềm suy tư, còn nhiều nhiều lắm những điều chưa kể và nhiều lắm những điều muốn nói mà không nói được nên lời…

“Ngày nào em bé cỏn con

Bây giờ em đã lớn khôn thế này

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”.

(Ca dao Việt Nam)

 

(Ban Tuyên Giáo Quận ủy Q8)

 


Số lượt người xem: 4945    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm