SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
4
0
1
6
Tin tức sự kiện 28 Tháng Mười Một 2011 2:55:00 SA

“Dự án xây dựng Đại lộ Đông - Tây thành phố Hồ Chí Minh”

Dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện từ năm 2005, hoàn thành vào tháng 11 năm 2011 có tổng chiều dài 22 km. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 16.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA (Hỗ trợ phát triển chính thức) của Nhật Bản chiếm khoảng 65%  tổng mức đầu tư, vốn ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 35%.

 

 

 

(Ảnh: Toàn tuyến dự án Đại lộ Đông - Tây)

 

Trên toàn tuyến của dự án có 11 cầu xây mới, 8 cầu vượt bộ hành, 2 nút giao thông tại điểm đầu, điểm cuối và công trình đường hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây trải dài qua 8 địa bàn quận, huyện có điểm đầu phía Tây là nút giao với Quốc lộ 1A tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh hướng về trung tâm Thành phố, chạy dọc kênh Tàu Hủ - Bến nghé đến ngã ba đường Yersin-Chương Dương, gần cầu Calmette, Quận 1 – nay là Đại lộ Võ Văn Kiệt; Sau đó vào đường Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn ra Đại lộ Đông Tây nối với điểm cuối phía Đông là nút giao với Xa lộ Hà Nội tại ngã ba Cát Lái, Quận 2.

Chiều ngày 20/11/2011 vừa qua, lễ thông xe hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đã đánh dấu thời điểm hoàn thành toàn tuyến Đại lộ Đông sang Tây, tạo trục giao thông kết nối xuyên suốt, có ý nghĩa  to lớn về kinh tế, giao thông, xã hội, tiêu thoát nước và cải thiện môi trường… Dự án còn mang một số mục tiêu quan trọng như sau:

+ Rút ngắn thời gian đi lại, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên trục Đông-Tây của thành phố;

+ Tạo ra con đường ngắn nhất nối khu đô thị trung tâm hiện hữu của thành phố với khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo tiền đề phát triển thuận lợi cho khu đô thị phía Đông thành phố;

+ Thực hiện chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường khu vực dọc theo Đại lộ, khôi phục cảnh quan “Trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn-Bến Nghé xưa;

+ Sau khi kết nối với đường cao tốc Sài Gòn-Trung Lương ở phía Tây và đường cao tốc Long Thành-Dầu Dây ở phía Đông, Đại lộ Đông Tây sẽ là trục giao thông chiến lược, nối kết Thành phố Hồ Chí Minh với 2 vùng kinh tế lớn, tạo động lực, thúc đẩy phát triển toàn vùng…

Riêng đối với Quận 8, tuyến Đại lộ này có phạm vi ảnh hưởng trực tiếp đến các phường như phường 8, 9, 10, 13, 14, 15 và phường 16 với tổng chiều dài khoảng 8.610m. Việc xây dựng các công trình giao thông như: Cầu Rạch Cây, cầu Lò Gốm, cầu Chà Và, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ và không xa nữa dự án cầu Bình Tiên sẽ được khởi công… mang lại một diện mạo mới về cảnh quan, đồng thời giải quyết được áp lực giao thông, việc đi lại của người dân trên địa bàn quận 8 vào trung tâm thành phố và các quận, huyện khác, tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng của một vùng địa phương đang trong quá trình đô thị hóa.

Bên cạnh đó, Đại lộ không những tác động mạnh mẽ về môi trường sinh thái, mỹ quan đô thị mà còn tạo ra tiền đề thuận lợi, mở ra cơ hội để quận 8 phát triển dịch vụ du lịch, phục hồi các ngành nghề truyền thống, bảo tồn các nét văn hóa đặc sắc “Trên bến dưới thuyền” của quận…

 Có thể nói, với thành công của dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây Thành phố Hồ Chí Minh, đã góp phần đưa thành phố nói chung, Quận 8 nói riêng hướng tới tương lai theo quy hoạch và phát triển bền vững.

Một vài thông tin cần biết:

Các loại phương tiện được phép lưu thông qua hầm Thủ Thiêm:

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh: Ô tô con và Ô tô khách được phép lưu thông qua hầm Thủ Thiêm 24/24 giờ. Riêng xe mô tô, xe gắn máy chỉ được lưu thông trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ; Ô tô tải trọng từ 2,5 tấn trở xuống hoặc có tổng trọng tải dưới 5 tấn (xe tải nhẹ) được phép lưu thông qua hầm từ 8 giờ đến 16 giờtừ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; Ô tô có tải trọng từ 2,5 tấn hoặc có tổng trọng tải từ 5 tấn trở lên (xe tải nặng) được phép lưu thông qua hầm từ 24 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Bên cạnh đó, Ô tô có tổng tải trọng trên 30 tấn, các loại xe kéo rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc; Ô tô kể cả hàng hóa có chiều cao lớn hơn 4,2m hoặc có chiều ngang lớn hơn 2,5m chỉ được phép lưu thông qua hầm khi có sự cho phép của cơ quan chức năng.

Đồng thời, Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm khuyến cáo người lưu thông qua hầm bằng xe gắn máy nên sử dụng loại nón bảo hiểm chụp kín tai để giảm ảnh hưởng của tiếng ồn và hạn chế chở trẻ em qua hầm bằng xe gắn máy.

Cấm lưu thông qua hầm đối với: Người đi bộ; Phương tiện giao thông thô sơ; xe 3 - 4 bánh tự chế; xe bánh xích; xe vận chuyển súc vật sống không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường; xe vận chuyển hàng độc hại, chất dễ cháy nổ, hàng nguy hiểm.

 

 

 

(Ảnh: Đường dẫn vào Hầm Thủ Thiêm từ Quận 1 ra Quận 2)

 

Các quy định khi lưu thông qua hầm Thủ Thiêm:

1. Tốc độ và khoảng cách:

- Đối với xe Ô tô:

+ Tốc độ tối đa cho phép: 60 km/giờ

+ Tốc độ tối thiểu cho phép: 30 km/giờ

+ Khoảng cách tối thiểu giữa các xe trên cùng làn xe: 30m

- Đối với xe mô tô, xe gắn máy:

+ Tốc độ tối đa cho phép: 40 km/giờ

2. Các hành vi nghiêm cấm:

- Bấm còi;

- Bật đèn ưu tiên (trừ những xe ưu tiên theo quy định);

- Bật đèn ở chế độ chiếu xa và các loại đèn có ánh sáng mạnh khác;

- Dừng, đỗ xe;

3. Trách nhiệm của người lái xe:

- Bật đèn ở chế độ chiếu gần - đèn cốt;

- Mở radio sóng AM các tần số: 655 KHz hoặc 610 KHz hoặc 588 KHz.

(Ban Tuyên Giáo Quận ủy Q8)

 


Số lượt người xem: 4342    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm