SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
1
5
9
5
0
Tin tức sự kiện 20 Tháng Ba 2012 10:40:00 CH

Tài liệu phục vụ “Phòng cháy, chữa cháy”

HIỂU LUẬT ĐỂ SỐNG ĐÚNG

Một số nguyên nhân gây cháy, nổ gas.

 

1. Sang, chiết gas trái phép: Sang chiết gas là thao tác truyền một lượng gas từ bình này sang bình khác. Do áp lực cao, thiết bị không chuyên dùng và môi trường không đảm bảo an toàn, dễ bị rò rỉ gas gặp nguồn nhiệt (lửa trần, tia lửa điện, hút thuốc…) gây ra cháy, nổ.

2. Bình gas không cố định chặt: Trong quá trình vận chuyển đặt bình không thẳng đứng, không đúng quy phạm, bị va đập, gây rò rỉ gas, gặp nguồn lửa gây cháy; Bình gas sử dụng trên các phương tiện di động như tàu hỏa, ghe, tàu, thuyền…, không cố định chặt, dây dẫn bị hở, gas thoát ra ngoài gặp nguồn lửa gây cháy.

3. Rò rỉ gas: Khi sử dụng không kiểm tra bếp, dây dẫn bị nứt, bị chuột cắn làm rò rỉ gas, gặp nguồn lửa gây cháy; đang sử dụng bếp bị tắt lửa do gió, do tràn thức ăn, gas vẫn rò rỉ ra gây cháy; quên khóa van sau khi đã tắt bếp, gas rò rỉ ra ngoài, tích tụ gặp nguồn lửa gây cháy.

4. Nơi đặt bình gas không đúng qui định: Đặt bình gas ở những nơi không thông gió, ở những chỗ trũng, trong góc tường, hốc bếp gầm cầu thang. Khi rò rỉ, hơi gas tích tụ lại, gặp nguồn lửa gây cháy và nổ.

 

Bình gas mini: Nguy hiểm tiềm tàng không thể coi nhẹ

Hiện nay việc sử dụng các bếp gas xách tay mini ngày càng trở nên thông dụng trong hoạt động kinh doanh và hoạt động gia đình. Đa số các bếp gas trên đều sử dụng bình gas nhỏ loại không được nạp lại (chỉ sử dụng một lần), nhưng trên thực tế nó đã được nạp lại đến cả hàng trăm lần, thậm chí bình đã bị móp méo, mài mòn. Đây là một trong những nguyên nhân chính đã để xảy ra một số tai nạn đáng tiếc gây thiệt hại lớn về người và có thể có cả tài sản. Theo quy định của các nhà chế tạo thì các bình gas này chỉ sử dụng để chứa gas với tỷ lệ 5% Propan và 95% Butan, không được nạp lại. Do chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở kinh doanh, hộ gia đình, cá nhân… đã nạp lại bằng nguồn gas hiện có trên thị trường để cung cấp cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngay cả người tiêu dùng cũng xem nhẹ hoặc thiếu hiểu biết kiến thức về an toàn phòng cháy, kiến thức sử dụng gas an toàn và đặc biệt là nhằm tiết kiệm tiền (một cách không đúng cách) nên đã tiếp tay cho các nhà kinh doanh gas và tiếp tay cho chính cả tai họa đến với mình!

Theo kết quả kiểm tra, nghiên cứu, nguồn gas trên thị trường hiện nay thường có tỷ lệ khoảng 50% Propan – 50% Butan (hoặc 60-40, 70-30). Trong hỗn hợp gas, Propan là khí nhẹ hơn Butan nên khi nạp vào bình thì cần phải tăng áp suất nhiều hơn và loại khí nào có hàm lượng Propan nhiều hơn thì cháy đượm hơn (toả nhiệt lớn hơn). Do Propan nhẹ hơn Butan nên cần áp lực nén cao hơn nên nguy hiểm nổ vật lý nhiều hơn. Với tỷ lệ vùng áp suất hơi bão hoà của gas trong bình ở 40oC sẽ tăng từ 3,2kg/cm2 lên 8; 9; 10kg/cm2 vượt quá áp suất làm việc cho phép của bình chứa gas, mặt khác cấu tạo của lớp vỏ bình gas loại mini mỏng hơn nhiều so với bình loại 12kg, 45kg và do sử dụng nhiều lần bị oxy hoá nên lớp vỏ bình lại càng mỏng và chịu lực kém hơn. Do sự tăng áp suất do chênh lệch tỷ lệ Propan và Butan, khả năng chịu lực kém của vỏ bình và tác động của nguồn nhiệt từ bếp nên có thể dẫn đến cháy, nổ. Vì vậy, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do bình gas mini tạo ra, các nhà quản lý phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nghiêm cấm các cơ sở sang chiết gas nạp lại bình gas mini. Đồng thời, người tiêu dùng hãy tự bảo vệ chính sức khỏe, tính mạng của mình và người thân, hãy tự giác chấp hành các quy định của Pháp luật và đừng vì lợi ích nhỏ mà bỏ qua lợi ích lớn theo kiểu “Tham bát, bỏ mâm”. Tiết kiệm được việc mua 1 bình gas mới khoảng 20 ngàn đồng, nhưng nếu cháy, nổ xảy ra do bình cũ gây ra có thể gây thiệt hại lên đến hàng 20 thậm chí 200 lần và nếu có thiệt hại về người thì không có gì để so sánh được.

 

Những điểm cần lưu ý nhằm tránh nguy cơ dẫn đến cháy, nổ liên quan tới gas

-         Phải thường xuyên kiểm tra và vệ sinh dụng cụ (bếp, ống dẫn, van bình, van điều áp…) để kịp thời phát hiện và thay mới các tình trạng hư hỏng, nứt vỡ.

-         Bình gas phải được đặt thẳng đứng, nơi thoáng khí và dễ thấy.

-         Không đặt bếp gas trong phòng kín vì nếu có rò rỉ thì hơi gas không thoát ra ngoài được.

-         Tránh lắp đặt hệ thống sử dụng gas ở gần các nguồn lửa khác như: bếp than, bếp củi, bếp điện, cầu dao điện…

-         Phải thường xuyên kiểm tra, tránh để bếp bị tắt lửa (gió lùa, trào nước,…) mà gas vẫn thoát ra.

-         Không sử dụng dao, kéo để chặt, cắt chế biến món ăn trên hoặc bên cạnh ống dẫn, bình gas (vì có thể gây đứt, rách ống dẫn làm rò rỉ gas).

-         Chọn bình và các thiết bị sử dụng gas đúng quy cách: bếp phải bảo đảm chất lượng (van phải kín, không tắc, không rò rỉ gas…); van điều áp phải hoạt động tốt; ống dẫn phải là ống chuyên dùng cho gas chịu áp suất cao; các đầu nối ống dẫn vào thiết bị phải được xiết chặt bằng vòng đai kẹp ống.

-         Khi đun nấu và tắt bếp phải tuân theo qui trình: mở van chính ở bình gas; mở đánh lửa hoặc châm lửa (nên dùng bếp có bộ phận đánh lửa); khi tắt bếp phải đóng van của bình trước để phần khí trong dây dẫn được đốt cháy hoàn toàn sau đó mới tắt phần đánh lửa của bếp.

-         Tuyệt đối không dùng lửa để phát hiện rò rỉ gas. chỉ có thể kiểm tra nơi nghi ngờ rò rỉ bằng nước xà phòng.

-         Trong bếp nên đặt bảng “kiểm tra tắt hoàn toàn hệ thống sử dụng gas trước khi ra khỏi bếp” ở chỗ dễ thấy nhất.

-         Tại bếp nấu gia đình, nơi trưng bày bán lẻ bình gas cần được trang bị bình bột chữa cháy loại 8kg hoặc bình khí CO2 loại 5kg.

-         Không nên đặt bàn thờ cúng trên hoặc gần khu vực để bình gas, bếp gas.

-         Lắp đặt hệ thống báo rò rỉ gas, hệ thống báo cháy an toàn và thiết bị tự ngắt khi gas rò rỉ (van an toàn);

-         Chỉ sử dụng các thiết bị và bình gas có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định an toàn của cơ quan chức năng.

                

Các cơ sở kinh doanh gas phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định về an toàn PCCC

-        Cửa hàng kinh doanh gas phải được thẩm duyệt về PCCC theo quy định.          

-       Tại các cửa hàng kinh doanh gas phải được xây dựng bằng tường gạch hoặc bê tông với bậc chịu lửa là Bậc II.

-       Có ít nhất 02 lối thoát nạn bố trí phân tán, cửa thoát nạn phải mở ra phía ngoài; hệ thống điện trong cửa hàng phải là hệ thống điện phòng nổ, toàn bộ thiết bị điện phải được khống chế chung bằng một thiết bị đóng ngắt (aptomat hoặc cầu giao kiêm cầu chì có hộp kín), tất cả các thiết bị điện phải được lắp đặt cách lớp bình gas ít nhất 1,5m.

-       Trong cơ sở phải được niêm yết biển cấm lửa, cấm hút thuốc, niêm yết nội quy, tiêu lệnh chữa cháy.

-       Nhân viên cửa hàng phải được huấn luyện cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC và huấn luyện nâng cao hàng năm.

-       Chủ cơ sở phải tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC ít nhất 01 lần/tháng.

-       Trong cơ sở phải được trang bị phương tiện PCCC tối thiểu: 01 bình CO2 05kg, 02 bình bột khô 8kg, 02 bao tải gai hoặc chăn (mền) chiên, 01 thùng nước 20 lít, 01 chậu nước xà phòng để nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ sử dụng, các phương tiện phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định.

-       Các bình gas có thể xếp chồng lên nhau ở tư thế thẳng đứng nhưng chiều cao không vượt quá 1,5m; khoảng cách giữa các dãy không nhỏ hơn 1,5m.

-       Tổng lượng gas được phép tồn chứa tối đa 500kg đối với diện tích tối thiểu 12m2 và được phép chứa thêm 60kg cho mỗi mét vuông diện tích tăng thêm. Tuy nhiên trong mọi trường hợp số lượng gas không cho phép tồn chứa quá 1000kg.

-       Không mua bán trao đổi các loại bình gas và thiết bị sử dụng gas không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

-       Không sửa chữa bình; sang, chiết, nạp gas tại đại lý, cửa hàng.

-       Không kinh doanh bình gas mini đã nạp lại (các chai chứa chỉ cho phép nạp lại một lần)

-       Tại cửa hàng lắp đặt hệ thống báo rò rỉ gas và báo cháy an toàn.

Quá trình sử dụng gas phải thường xuyên kiểm tra độ kín. Nếu phát hiện có rò rỉ gas phải thực hiện các thao tác sau:

o     Tắt ngay bếp và các nguồn lửa khác xung quanh khu vực đặt bình. Chú ý không đóng hoặc ngắt các công tắc, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa.

o     Đóng ngay van bình gas.

o     Thông gió để phát tán làm giảm nồng độ hơi gas. Có thể bằng việc mở các cửa, thông gió nhân tạo an toàn hoặc sử dụng bình khí CO2, N2 để làm loãng .

o     Tìm chỗ rò bằng cách quét nước xà phòng (tuyệt đối không dùng ngọn lửa để thử).

o      Bịt chặt chỗ rò, có thể bằng cách trát xà phòng vào chỗ rò sau đó quấn băng keo hoặc dùng dây cao su buộc chặt lại.

o     Nếu không khắc phục được rò rỉ cần mang ngay bình ra nơi trống an toàn, thoáng gió, xa cống rãnh, xa nguồn lửa và khu dân cư.

o     Cảnh giới cấm lửa tại khu vực bình rò rỉ, thông báo cho các cửa hàng, đại lý hoặc các cơ quan PCCC biết để có biện pháp xử lý.

  Gas là một trong những người bạn đồng hành (có thể nói là khó có thể thiếu) trong sinh hoạt của hàng triệu gia đình tại TPHCM nói riêng và cả nước cũng như trên thế giới nói chung. Có thể nói, phát hiện ra gas là “lần thứ 2 con người phát hiện ra lửa” - một ngọn lửa mới an toàn và sạch sẽ hơn! Bản thân gas không có tội mà ngược lại đã giúp đời sống của con người hiện đại ngày nay rất nhiều, đặc biệt là sử dụng làm nguồn nhiệt đun nấu thức ăn phục vụ bữa cơm mỗi ngày của mỗi gia đình chúng ta được vệ sinh hơn, ngon miệng hơn. Nhưng “người bạn” này cũng rất khó tính. Vì vậy, chúng ta phải biết sử dụng và “chiều chuộng” đúng cách. Chỉ có như vậy, người bạn đồng hành của chúng ta mới luôn tận tâm phục vụ chúng ta một cách hữu ích nhất. Gas là một con dao hai lưỡi, chính vì vậy hãy “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” và tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn về gas.

 

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)

 


Số lượt người xem: 3589    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm