SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
2
2
5
7
3
Tin tức sự kiện 12 Tháng Mười Hai 2012 10:15:00 SA

Một số quy định của pháp luật về cấm pháo nổ

1/- Hỏi: Các hành vi nào bị nghiêm cấm theo Nghị định 36/2009 ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo?

* Trả lời: Điều 4 Nghị định 36/2009 ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:

- Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.

- Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.

- Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo.

- Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo.

2/- Hỏi: Các loại pháo, sản phẩm pháo nào được sử dụng theo quy định tại Nghị định 36/2009 ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo?

* Trả lời: Điều 5 Nghị định 36/2009 ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng như sau:

- Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

- Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

- Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

- Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

3/- Hỏi: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về sử dụng các loại pháo, sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

* Trả lời: Theo khoản 2,4 điểm đ điều 13 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và tịch thu tang vật đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tịch thu tang vật phương tiện đối với một trong những hành vi sau đây: Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4/- Hỏi: Người đốt pháo bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?

* Trả lời:

1.Người nào đốt pháo thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 điều 245 Bộ luật Hình sự, phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:

- Đốt pháo ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

- Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

- Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khoẻ, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1kg đến dưới 0,5kg đối với thuốc pháo;

- Đốt pháo với số lượng lớn dưới 1kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa bị xoá án tích mà còn vi phạm.

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 2 điều 245 Bộ luật hình sự, phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đối với người nào đốt pháo thuộc một trong các hành vi sau đây:

- Đã bị kết án về tội “Gây rối trật tự công cộng”;

- Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;

- Cản trở; hành hung người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công công hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ;

- Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.

3. Người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác quy định trong Bộ luật hình sự, tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.

5/- Hỏi: Người sản xuất, chiếm đoạt pháo nổ, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?

* Trả lời: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng pháo sẽ bị truy cứu TNHS theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao như sau:

1.Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” theo điều 232 Bộ luật Hình sự;

2. Người nào mua bán trái phép qua biên giới pháo nổ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Buôn lậu” theo điều 153 Bộ luật Hình sự;

3. Người nào vận chuyển trái phép qua biên giới pháo nổ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vận chuyển hàng hoá qua biên giới” theo điều 154 Bộ luật Hình sự;

4. Người nào có hành vi mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Buôn bán hàng cấm” theo quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự.

6/- Hỏi: Số lượng vật phạm pháp khi sản xuất, chiếm đoạt pháo nổ, chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo là bao nhiêu thì bị xử lý về hình sự?

* Trả lời: Truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” đối với:

- Người sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 2kg đến dưới 30 kg; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có số lượng từ 1kg đến dưới 15 kg hoặc dưới số lượng đó nhưng đã bị xử lý hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, bị phạt tù từ 01 năm đến 5 năm. Nếu vận chuyển, mua bán trái phép qua biên giới, bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

- Người sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 30kg đến dưới 90kg; thuốc pháo có số lượng từ 15kg đến dưới 75kg, bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm;

- Người sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 90kg đến dưới 300 kg; thuốc pháo có số lượng từ 75kg đến dưới 200kg, bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm;

- Người sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt pháo nổ có số lượng từ 300kg trở lên; thuốc pháo có số lượng từ 200 kg trở lên, bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người nào cùng lúc phạm nhiều tội thì bị xét xử với mức hình phạt cao của khung hình phạt quy định cho mỗi tội./.

 

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)

 

 


Số lượt người xem: 9947    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm