SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
1
2
4
7
Tin tức sự kiện 08 Tháng Ba 2013 5:45:00 CH

Sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP NĂM 1992

 Hiến pháp năm 1992 được ban hành trong bối cảnh những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đề ra và để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991. Hiến pháp năm 1992 đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

            Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

            Với sự cần thiết nêu trên, thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị, nhân dân cả nước đã và đang tham gia góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị các cấp nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, pháp luật và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

            II. VỀ BỐ CỤC CỦA DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

            Hiến pháp năm 1992 có 12 chương, 147 điều. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều, sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.

Để đảm bảo tính ổn định lâu dài của Hiến pháp và nâng cao chất lượng kỹ thuật lập hiến, dự thảo đã có một số thay đổi về mặt kết cấu, cụ thể là:

            Dự thảo Chương I được xây dựng trên cơ sở viết gọn lại tên Chương I của Hiến pháp năm 1992 thành “Chế độ chính trị” và đưa các quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh của Chương XI của Hiến pháp năm 1992 vào Chương I vì đây là những nội dung quan trọng gắn liền với chế độ chính trị của quốc gia.

            Dự thảo Chương II được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V – Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân của Hiến pháp năm 1992 thành Chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” để khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.

            Dự thảo Chương III được xây dựng trên cơ sở lồng ghép Chương II: Chế độ kinh tế và Chương III: Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Hiến pháp năm 1992 thành Chương: “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường” nhằm thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

            Dự thảo Chương VIII được đổi vị trí từ Chương X: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân của Hiến pháp năm 1992 thành Chương: “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân” để thể hiện sự gắn kết giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

            Dự thảo Chương IX: “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” của Hiến pháp năm 1992 được đổi thành Chương “Chính quyền địa phương” để làm rõ hơn tính chất của hệ thống cơ quan ở địa phương trong mối quan hệ với trung ương, thể hiện tính gắn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong chỉnh thể của chính quyền địa phương. Mặc khác nội hàm của Chương này không chỉ quy định về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân mà còn quy định về việc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ và mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với Mặt trận và các đoàn thể xã hội ở địa phương.

            Dự thảo Chương X là chương mới quy định về các thiết chế hiến định độc lập gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và kiểm toán Nhà nước nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta./.

 

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8

 


Số lượt người xem: 8978    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm