SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
4
4
1
0
Tin tức sự kiện 27 Tháng Mười Hai 2013 5:40:00 CH

Nghị định số 192/2013/NĐ-CP: quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.

Hai hình thức xử phạt chính được quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP bao gồm: cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Với quy định này, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức đã tăng 2 lần so với các quy định trước đây.

Để phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đảm bảo tính răn đe, Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này không được sử dụng tiền NSNN hoặc tiền có nguồn gốc từ NSNN để nộp phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Trường hợp xử phạt tổ chức thì sau khi chấp hành quyết định xử phạt, tổ chức bị xử phạt xác định cá nhân có lỗi gây ra vi phạm để xác định trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc nộp lại khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra tương ứng với mức độ vi phạm của cá nhân đó.

Nghị định quy định sẽ phạt tiền đối với tổ chức có hành vi mua sắm tài sản, thuê tài sản, bố trí, sử dụng TSNN vượt tiêu chuẩn, định mức theo các mức phạt mức tối đa là 20 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn buộc phải nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản mua sắm, thuê, bố trí, sử dụng vượt tiêu chuẩn, định mức.

Nghị định quy định tổ chức có hành vi sử dụng TSNN vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền theo các mức phạt là: (i) từ 1 - 5 triệu đồng trong trường hợp sử dụng tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng; (ii) từ 5 - 10 triệu đồng trong trường hợp sử dụng tài sản là xe ô tô; tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; (iii) từ 15 - 20 triệu đồng trong trường hợp sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Không những thế, tổ chức vi phạm còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra; trường hợp không khôi phục lại được tình trạng ban đầu của tài sản thì phải trả lại bằng tiền hoặc tài sản có công năng sử dụng tương đương với tài sản ban đầu; đồng thời buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi này.

Nghị định quy định  phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi gây lãng phí về quản lý trong việc lập, thẩm định dự án đầu tư; từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi gây lãng phí về quản lý trong khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi gây lãng phí về quản lý trong lựa chọn nhà thầu, tổ chức tư vấn giám sát thực hiện dự án đầu tư; từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi gây lãng phí về quản lý trong tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công lễ khánh thành công trình xây dựng; từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi gây lãng phí trong cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn cho dự án đầu tư; từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi gây lãng phí trong thực hiện khảo sát, thiết kế xây dựng công trình không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Các mức phạt tiền nêu trên là áp dụng với cá nhân vi phạm. Nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt sẽ gấp đôi.

Nghị định quy định nhiều hành vi vi phạm trong lĩnh vực dự trữ quốc gia sẽ bị xử phạt; đặc biệt đối với các hành vi gây thiệt hại đối với hàng dự trữ quốc gia hoặc cơ sở vật chất - kỹ thuật sẽ bị xử phạt nghiêm, tương ứng với mức độ thiệt hại. Ví dụ, hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc yêu cầu kỹ thuật bảo quản tạm thời về bảo quản hàng dự trữ quốc gia do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; không chấp hành đúng quy định về thời hạn bảo quản hàng dự trữ quốc gia; bảo quản hàng dự trữ quốc gia không đúng địa điểm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 - 500 nghìn đồng trong trường hợp không gây thiệt hại. Tuy nhiên, nếu gây ra thiệt hại thì mức phạt tiền sẽ lập tức tăng lên với mức tối đa từ 40 - 50 triệu đồng (đối với cá nhân vi phạm) và gấp đôi số đó nếu đối tượng vi phạm là tổ chức.

Với các quy định nêu trên, kỷ cương, kỷ luật trong chi tiêu ngân sách và sử dụng tài sản công sẽ được tăng cường, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

 

(Thanh Phong – Phòng Kinh tế)

 

 


Số lượt người xem: 4913    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm