SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
5
1
9
1
4
Tin tức sự kiện 13 Tháng Giêng 2016 3:15:00 CH

CÙNG NHAU XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG KHÔNG KHÓI THUỐC

Hút thuốc là là một thói quen lâu đời, phổ biến khắp nơi trên thế giới, có lúc việc hút thuốc lá được xem như biểu hiện cá tính mạnh mẽ của Nam giới, sự quyến rũ của đàn ông, điều này đã được các hãng thuốc lá ra sức khai thác, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông trực quan và  trong các phim ảnh. Ở nước ta, xưa nay đã xem “điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu chuyện”, nên việc hút thuốc lá cũng phổ biến lan tràn từ các cuộc trò chuyện thông thường cho đến cúng giỗ, hỏi cưới, các cuộc tiệc tùng và  trong các công sở. Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới 47,4%; nữ giới 1,4%, tức khoảng 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá, trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc và nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Gần đây, khoa học đã chứng minh sự tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe con người, đã tìm ra hơn 4.000 loại hóa chất trong khói thuốc lá, trong đó có 69 chất  độc hại, có nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hoại tử các đầu chi, mù mắt, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm sức khỏe sinh sản, giảm tuổi thọ và đặc biệt là các loại bệnh ung thư hầu họng, thanh quản, phế quản và phổi. Hàng năm trên thế giới có khoảng  6 triệu người chết mỗi năm do hút thuốc lá. Nước ta hàng năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá, chưa kể những tác hại sức khỏe không nhỏ đến 70% phụ nữ và 50% trẻ em do hít khói thuốc là thụ động của người trong gia đình hút thuốc lá trong nhà.

Hút thuốc lá thụ động là một nguy cơ lớn ảnh hưởng tới sức khoẻ. Khói toả ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy độc hại hơn khói thuốc lá do người hút hít vào vì có chứa nhiều chất độc hại hơn gấp 26 lần do cháy ở nhiệt độ cao và không qua bộ phận lọc. Nghiên cứu trên phạm vi quốc tế trong 20 năm gần đây về ảnh hưởng của khói thuốc lá thụ động đã chỉ ra rằng: Khói thuốc lá thụ động là một trong các tác nhân gây nhiều bệnh về tim mạch, phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của nam và nữ. Người thường xuyên hít phải khói thuốc tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 25-30%, mắc bệnh phổi lên 20-30% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỷ lệ viêm đường hô hấp dưới (như viêm phế quản, viêm phổi) và viêm tai giữa; làm tăng các triệu chứng của đường hô hấp mãn tính như hen; làm giảm sự phát triển của phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc lá trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân.

Hiện nay, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49,0%. Đặc biệt, theo một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá  ở nhà của phụ nữ là gần 70%, của trẻ em là gần 50%, số ngày trung bình trong một tuần phụ nữ phải tiếp xúc với khói thuốc ở nhà là 5,7 ngày, nơi làm việc là 5,1 ngày và nơi công cộng là 4,2 ngày. Như vậy, tỷ lệ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động ở nước ta rất cao.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: Nên thực hiện các khu vực 100% không khói thuốc lá vì đây là cách duy nhất để bảo vệ sức khoẻ của tất cả mọi người khỏi tác hại của khói thuốc lá.

Thuốc lá gây nghiện, người hút thuốc lá càng lâu thì ngày càng hút nhiều hơn nên tác hại đến sức khỏe của chính mình và người chung quanh ngày càng lớn hơn. Sự tốn kém về tiền bạc, công sức đổ vào việc hút thuốc lá rất nhiều, như phải thường xuyên  chi tiền mua thuốc hút, rồi tiền chữa bệnh do hút thuốc gây ra, công sức người nhà nuôi bệnh.  Sự tàn phá quá lớn của thuốc lá đối với sức khỏe con người, môi trường, xã hội và kinh tế của các quôc gia, nên năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Công ước khung kiểm soát thuốc lá,  lần lượt các nước trên thế giới cũng đưa ra  những quy định nhằm hạn chế dần người  hút thuốc lá trong cộng đồng. Việt Nam tham gia công ước khung kiểm soát thuốc lá vào năm 2004 và  ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc Hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/8/2012 và có hiệu lực thi hành  từ ngày 01/5/2013.

Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá quận 8, xây dựng Kế hoạch Phòng chống tác hại thuốc lá năm 2016 với mục tiêu tăng cường việc thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc lá trên địa bàn quận. Đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân 16 phường tăng cường tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá trong cộng đồng và thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc lá ở gia đình, nơi cộng cộng và các cơ sở làm việc, nhằm bảo vệ sức khỏe chung cho mọi người.

NGỌC LOAN – Phòng VHTT Q8 


Số lượt người xem: 1925    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm