SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
3
5
2
8
Tư vấn & Tìm hiểu pháp luật 20 Tháng Tư 2017 1:40:00 CH

Một số nội dung cơ bản của Nghị định số 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ

Ngày 12/11/2013/NĐ-CP Chính phủ đã ban hành Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định số 166/2013/NĐ-CP có 5 chương với 43 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá... và quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt... Trong đó, biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập được áp dụng đối với cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức và đang được hưởng bảo hiểm xã hội; biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả, không thanh toán hoặc thanh toán chưa đủ chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.

Trường hợp cá nhân không được hưởng tiền lương, thu nhập hoặc bảo hiểm xã hội tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc tổ chức, cá nhân không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản, sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.

Việc kê biên tài sản được thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 08 - 17 giờ. Đặc biệt, không thực hiện kê biên đối với những tài sản sau: Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế có diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật; thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng; đồ thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen; tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh; tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp và công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng.

Các điều kiện bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế như: người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền yêu cầu các cơ quan tổ chức có liên quan, chính quyền địa phương nơi cá nhân bị cưỡng chế cư trú hoặc công tác, tổ chức bị cưỡng chế đóng trụ sở thực hiện biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tiền bạc, tài sản; trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có hành vi chống đối không thực hiện quyết định cưỡng chế sau khi đã vận động, giải thích, thuyết phục nhưng không có hiệu quả thì người đã ra quyết định cưỡng chế có quyền huy động lực lượng, phương tiện để bảo đảm thi hành cưỡng chế.

Chi phí cưỡng chế bao gồm: Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế; chi phí thù lao cho các chuyên gia định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản; chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản; chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên; chi phí thực tế khác (nếu có).

Chi phí cưỡng chế được tạm ứng từ ngân sách nhà nước và được hoàn trả ngay sau khi thu được tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế. Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho các hoạt động cưỡng chế. Nếu cá nhân, tổ chức không tự nguyện hoàn trả hoặc hoàn trả chưa đủ chi phí cưỡng chế thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có thể ra quyết định cưỡng chế.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/12/2013, thay thế Nghị định số 37/2005/NĐ-CP.

Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Q8 


Số lượt người xem: 2467    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm