SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
4
5
4
8
Tư vấn & Tìm hiểu pháp luật 26 Tháng Bảy 2018 8:20:00 SA

Nội dung cơ bản Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 về xử phạt VPHC trong hoạt động đầu tư XD; khai thác, chế biến, KD khoáng sản làm vật liệu XD, SX, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở

Chính phủ ban hành Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.

Cụ thể, thay vì chỉ bị phạt tiền tối đa đến 500.000 đồng, từ ngày 15/01/2018, người có hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Mức phạt nêu trên cũng được áp dụng đối với hành vi giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vận dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; Xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên…

Đối với hành vi xây nhà ở không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định, cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. 

Mức phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng của cá nhân cũng tăng gấp đôi phạt từ  3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp được cấp phép sửa chữa, cải tạo; từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp được cấp phép xây dựng mới. Xây dựng không có giấy phép xây dựng theo quy định phải có sẽ bị phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng.

Cũng theo Nghị định, hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng; Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng của nhà chung cư… sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỉ đồng; trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300.000.000 đồng.

Một số vi phạm bị xử phạt đáng chú ý: Vi phạm quy định về hợp đồng xây dựng phạt đến 100.000.000 đồng. Phạt tiền 70.000.000 – 80.000.000 đồng đối với hành vi chủ đầu tư có sử dụng nhà thầu nước ngoài để nhà thầu nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng khi chưa được cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo quy định; để nhà thầu nước ngoài sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện các công việc về xây dựng mà thị trường lao động Việt Nam đáp ứng được;... chậm bàn giao dự án phạt đến 50.000.000 đồng.

Thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ bị phạt tiền 40.000.000 – 50.000.000 đồng.

Phạt tiền 50.000.000 – 60.000.000 đồng đối với hành vi không hoàn thành thủ tục để được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình theo quy định đối với công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Quy định mới chỉ còn bốn biện pháp khắc phục hậu quả cơ bản là: Buộc khôi phục tình trạng ban đầu; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; buộc thực hiện những biện pháp khác theo quy định. Tức không còn biện pháp khắc phục là buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn như trước.

Đáng lưu ý là các chủ đầu tư sẽ không còn được nộp lại số lợi bất hợp pháp để được giữ lại công trình trái phép nữa. Việc nộp số lợi bất hợp pháp tiếp tục áp dụng cho các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ, sử dụng mạng lưới cấp nước như: Sử dụng nước trước đồng hồ đo nước; làm sai lệch đồng hồ đo nước; tự ý thay đổi vị trí, loại đồng hồ đo nước… Hoặc sẽ áp dụng đối với vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản như không cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng hoặc việc sử dụng tiền ứng trước khi có yêu cầu; không cho phép bên mua, bên thuê mua được kiểm tra thực tế tiến độ thi công tại công trình…

Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP, xây dựng sai phép, kể cả sửa chữa, cải tạo và cấp phép xây dựng mới hay xây dựng không phép đều có cùng cách thức xử lý. Nếu hành vi vi phạm đã kết thúc thì buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm. Nếu đang thi công, lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu dừng thi công. Kế tiếp, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản, tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp GPXD. Hết thời hạn này mà tổ chức, cá nhân không xuất trình được GPXD hoặc GPXD được điều chỉnh thì sẽ bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.

Ngoài ra, sau khi được cấp hoặc điều chỉnh GPXD, nếu công trình, phần công trình đã xây dựng không phù hợp với GPXD thì phải tháo dỡ công trình, phần công trình đó mới được tiếp tục xây dựng.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bất động sản; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh, vật liệu xây dựng là một năm.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là hai năm./.

Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8

 


Số lượt người xem: 3009    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm