SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
9
4
5
2
1
Tư vấn & Tìm hiểu pháp luật 15 Tháng Năm 2019 8:20:00 SA

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN.

Hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân theo Quyết định số 184/QĐ-TANDTC ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao là một công tác chính trị quan trọng nhằm tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và 09 Trung tâm tại Tòa án nhân dân Quận 1, Quận 2, Quận 9, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi đã đi vào hoạt động. Để giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn Quận 8 dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân, Phòng Tư pháp Quận 8-Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Quận 8 biên soạn một số nội dung giới thiệu hoạt động của các Trung tâm này

1. Nhiệm vụ của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân:

Nhiệm vụ của Trung tâm này là hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính theo yêu cầu của đương sự và các vụ việc trước khi tòa thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.

2. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân:

Giám đốc Trung tâm là Chánh án Tòa án thực hiện thí điểm, Phó giám đốc Trung tâm là Thẩm phán tòa này cùng các hòa giải viên, đối thoại viên được ưu tiên lựa chọn từ các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chuyên viên pháp lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước thuộc khối nội chính... đã về hưu; luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân hoặc những người khác có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm trong hòa giải, đối thoại, có uy tín trong cộng đồng…

3. Hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân:

a) Tiếp nhận đơn khởi kiện:

Ngay sau khi nhận đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn khởi kiện vụ án hành chính và tài liệu, chứng cứ kèm theo (sau đây gọi tắt là hồ sơ vụ việc), Tòa án phải chuyển đơn khởi kiện cho Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trừ trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, vụ việc không được hòa giải, đối thoại theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Song song đó, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án còn trực tiếp nhận đơn yêu cầu hòa giải, đối thoại của các bên tranh chấp, khiếu kiện.

b) Thời hạn hòa giải, đối thoại:

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày được phân công, Hòa giải viên, Đối thoại viên phải tiến hành hòa giải, đối thoại. Trường hợp vụ việc phức tạp mà các bên tham gia hòa giải, đối thoại cần bổ sung thêm tài liệu, chứng cứ hoặc theo yêu cầu chính đáng của họ thì thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

Thời hạn hòa giải, đối thoại là 30 ngày; trường hợp cần thiết thì có thể gia hạn, nhưng không quá 02 tháng.

c) Xử lý kết quả hòa giải, đối thoại:

Trường hợp qua hòa giải, đối thoại, người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì tại Biên bản hòa giải, Biên bản đối thoại ghi rõ ý kiến của người khởi kiện về việc rút đơn khởi kiện. Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án chuyển hồ sơ vụ việc và Biên bản hòa giải, Biên bản đối thoại cho Tòa án. Tòa án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, người yêu cầu.

Trường hợp qua hòa giải, các bên thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết thì tại Biên bản hòa giải thành ghi rõ những nội dung các bên thống nhất. Nếu các bên hoặc một bên có yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành thì có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Khi nhận hồ sơ và đơn yêu cầu, Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết về yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nếu các bên tranh chấp không yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án thì Trung tâm chuyển ngay hồ sơ vụ việc, Biên bản hòa giải thành cho Tòa án để trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện trong trường hợp nhận hồ sơ từ Tòa án.

Đối với các trường hợp ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ, chồng không đồng ý đoàn tụ, nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và yêu cầu Tòa án công nhận thì Hòa giải viên giải thích cho họ sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hòa giải thành đơn yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Trung tâm phân công Thẩm phán tham gia chứng kiến việc lập biên bản và ký tên vào Biên bản hòa giải đoàn tụ không thành, Biên bản thuận tình ly hôn, thỏa thuận việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn do Hòa giải viên lập. Trung tâm chuyển hồ sơ vụ việc và các biên bản cho Tòa án. Tòa án xem xét, nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định tại Chương XXVIII của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Thẩm phán (đã được phân công tham gia chứng kiến và ký tên vào các biên bản) thụ lý ngay việc dân sự. Sau khi thụ lý, Thẩm phán kiểm tra hồ sơ nếu xét thấy việc thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập các biên bản mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự (Thẩm phán không tiến hành hòa giải lại).

- Trường hợp sau khi hòa giải, đối thoại mà các bên không thỏa thuận được với nhau Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chuyển hồ sơ vụ việc và Biên bản hòa giải, Biên bản đối thoại cho Tòa án để xem xét thụ lý, giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong trường hợp nhận hồ sơ từ Tòa án. Nếu các bên hòa giải, đối thoại thành một phần tranh chấp khiếu kiện, thì Hòa giải viên, Đối thoại viên có thể lập Biên bản hòa giải thành, đối thoại thành đối với phần đó.

-Trường hợp qua đối thoại mà người bị kiện cam kết sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định bị khởi kiện hoặc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì Đối thoại viên lập biên bản về việc cam kết của họ. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày lập biên bản, người bị kiện phải gửi cho Trung tâm quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện phải gửi cho Trung tâm văn bản rút đơn khởi kiện. Hết thời hạn này mà một trong các bên không thực hiện cam kết của mình thì Trung tâm chuyển hồ sơ vụ việc và Biên bản đối thoại cho Tòa án để xem xét thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp nhận được quyết định hành chính mới thì Trung tâm phải thông báo cho bên còn lại biết. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Trung tâm, nếu bên còn lại không có ý kiến phản đối thì Đối thoại viên thông báo cho Giám đốc Trung tâm, chuyển hồ sơ vụ việc, Biên bản đối thoại, quyết định hành chính mới cho Tòa án. Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành.

4. Lợi ích của việc hòa giải, đối thoại:

- Lợi ích thứ nhất là tiết kiệm thời gian cho các bên. Theo quy định, khi trung tâm tiếp nhận hồ sơ thì trong vòng 20 ngày sẽ tổ chức hòa giải; trường hợp phức tạp, các đương sự yêu cầu thì cũng không quá hai tháng. Nếu theo thủ tục tố tụng thì thời gian sẽ lâu hơn, thậm chí có vụ nhiều năm chưa giải quyết được...

- Lợi ích thứ hai là nếu hòa giải, đối thoại được với nhau thì các đương sự tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí, nhất là không mất án phí bởi trong thời gian thí điểm, không phải nộp lệ phí hòa giải, đối thoại.

- Lợi ích thứ ba là tạo sự ổn định, sự đoàn kết gắn bó trong gia đình, trong nhân dân và trong các doanh nghiệp khi các bên được hòa giải viên phân tích về cái lý, cái tình, những được mất, hơn thua trong tranh chấp để có thể tự thỏa thuận với nhau, không nhất thiết phải đưa ra giải quyết tranh chấp tại Tòa.

Việc thí điểm hoạt động của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới bởi việc hòa giải, đối thoại tại các Trung tâm là tiền tố tụng nên không phải tuân thủ trình tự tố tụng hay ràng buộc theo quy định pháp luật về tố tụng, mà chủ yếu chính là sự thương lượng giữa các bên trong giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án./.

Phạm Thanh Bình - Phòng Tư pháp Quận 8

 


Số lượt người xem: 1999    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm