SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
5
0
6
5
9
Tin văn hóa thể thao 11 Tháng Mười Một 2021 8:40:00 SA

KỶ NIỆM NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM (23/11/2005-23/11/2021

Di sản là kết tinh, lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này sang đời khác đã dày công tạo dựng từ sự phong phú của bản sắc. Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng về việc giáo dục lịch sử, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể, các tác phẩm nghệ thuật… bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước mà còn là ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, của cộng đồng.

Thiết thực hưởng ứng các hoạt động chào mừng kỷ niệm 16 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2005 - 23/11/2021 nhằm tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của Sắc lệnh số 65 về việc bảo tồn cổ tích trên toàn cõi Việt Nam góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Quận 8 giới thiệu một số Di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đã được bảo tồn, giữ gìn và phát huy trong những năm qua.

1. Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia Đình Bình Đông:

Đình Bình Đông được xây dựng trên cù lao ngay nhánh rẽ của dòng Kinh Đôi, thuộc Phường 7 Quận 8 thành phố Hồ Chí Minh. Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, thôn Bình Đông thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình (1818). Đình có sắc phong Tự Đức ngũ niên (1853). Theo các bô lão thì đình Bình Đông có từ xưa. Lúc đầu, kiến trúc của đình chỉ là ngôi nhà lá, dùng làm nhà làng cho dân cư quanh vùng tới hội họp và cúng bái. Đến năm 1922 được trùng tu bằng mái ngói, vách ván, cột kèo gỗ theo dạng đình Nam Bộ với võ ca và chánh điện nằm giữa, hai bên có Đông và Tây lang, bên cạnh lại có nhà Nghĩa Từ. Đến năm 1930, đình xuống cấp nên được sửa chữa lớn, mái ngói được thay bằng ngói đại ống 2 lớp, vách trét ô dước, nền gạch tàu. Năm 1968, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đình bị bom đánh sập một phần võ ca, chánh điện và nghĩa từ. Mãi đến năm 1991, đình được xây dựng lại với kết cấu bằng nguyên vật liệu nặng (bêtông - cốt sắt) nhưng kiến trúc tổng thể vẫn giữ nguyên. Lần xây dựng này có thêm nhà Truyền Thống.

Toàn bộ cảnh quan của đình không thay đổi, tuy những kết cấu đình được xây dựng bằng vật liệu mới không còn giữ được kết cấu xưa nhưng đình vẫn còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật bằng gỗ xưa được chạm trổ rất công phu, tinh xảo có giá trị nghệ thuật cao với các mô típ rồng vờn châu, tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng)… được sơn son thếp vàng rất độc đáo; Bộ bao lam bằng gỗ chạm, giác Hoa mẫu đơn, mai, lam, cúc, trúc, trĩ, nho, sóc, sen… rất hài hòa. Các hiện vật bằng đồng như đỉnh trầm, lư hương, bình hoa bằng gốm quý.

Giá trị lịch sử: Đình Bình Đông không chỉ nổi tiếng là đình cổ, linh thiêng mà nơi đây còn mang ý nghĩa quan trọng của sự kiện lịch sử cách mạng.

Bên trong nhà tưởng niệm, chúng ta biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua những hình ảnh và hiện vật được lưu giữ qua từng giai đoạn lịch sử của Chủ tịch Tôn Đức Thắng hoạt động tại Sài Gòn và đình Bình Đông.

Đình Bình Đông được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích theo quyết định số 2890 - VH/QĐ ký ngày 27/09/1997.

2. Giới thiệu Di tích kiến trúc nghệ thuật Thành phố Đình Hưng Phú:

Xây dựng đầu thế kỷ IXX. Quá trình hình thành và phát triển, đình được tu bổ nhiều lần, hiện nay đình có diện tích khoảng 800m2, kiến trúc đình vẫn giữ được những nét đặc trưng của đình Nam Bộ gồm: võ ca, chính điện, tiền điện và nhà túc. Trong đó, nếp nhà phía trước gồm võ ca và tiền điện, nếp nhà phía sau là chánh điện và nhà túc. Cấu trúc hai nếp nhà kiểu tứ trụ với bộ khung cột, kèo, rui được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương.

Đình thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh là Tướng quân Phi Vận Nguyễn Phục, vị tướng tài giỏi và có công với đất nước. Năm Cảnh Thống, vua Lê Hiển Tông phong tặng ông danh hiệu Văn Trung Chính Nghị. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), vua Tự Đức ban sắc phong ông là “Trung đẳng Thần”. Ngoài ra, đình còn thờ Quan Thánh Đế Quân, Thần Hổ, Thần Nông, Thiên Phụ Địa Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương…

Đầu năm 2019, đình có Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tu bổ toàn bộ kết cấu, do tình hình dịch COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình tu bổ, đến đầu năm 2021, đình đã hoàn thành quá trình tu bổ và hoạt động trở lại nhằm kịp thời bảo tồn và gìn giữ các giá trị nghệ thuật của di tích. Đình còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như bản sắc phong của vua Tự Đức, án thờ, lư hương, đỉnh trầm, hoành phi, liễn đối… Lễ hội lớn nhất tại đình được tổ chức hàng năm là Lễ Kỳ Yên vào ngày 29, 30 tháng 11 (âm lịch).

Đình Hưng Phú được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 187/2005/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2005.

3. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố Đình Vĩnh Hội

Đình Vĩnh Hội (còn gọi là đình Xóm Củi, đình Bầu Xá), tọa lạc tại số 46 đường Đinh Hòa, Phường 13, Quận 8, được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII. Đình là nhà việc và là nơi thờ phụng các vị Thần linh theo tín ngưỡng dân gian của nhân dân thôn Vĩnh Hội. 

Quá trình hình thành và phát triển, đình đã được tu bổ nhiều lần, nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ của đình Nam Bộ, gồm: chính điện, nghĩa từ và nhà túc. Chính điện và nghĩa từ có chung một nếp nhà, được xây theo kiểu nhà năm gian. Các vị Thần được thờ tại đình gồm: Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Hội Đồng nội, Đông Hiến và Bạch Mã Thái Giám (gian giữa); Tả Ban và các đời Tổ nghề (gian bên trái); Ngũ Hành Nương Nương, Hữu Ban, Hội Đồng ngoại, Tây Hiến, Thần Tài, Thổ Địa (gian bên phải). Các khám thờ, bao lam, hoành phi, liễn đối được chạm khắc tinh xảo: khám thờ chạm hình lưỡng long triều nhật (rồng chầu hai bên mặt trời), trúc - hạc (cây trúc và chim hạc); bao lam chạm hình phượng hoàng triều nguyệt (chim phượng hoàng chầu hai bên mặt trăng),… Đình còn giữ được một số hiện vật bằng đồng cuối Thế kỷ XIX, tiêu biểu là các đỉnh trầm có hình mắt tre, hình trái đào…

Hàng năm, tại đình tổ chức các lễ lớn như: Lễ Kỳ Yên vào ngày 16 tháng Giêng (âm lịch); Lễ vía Bà Ngũ Hành vào ngày 16 tháng 7 (âm lịch); Lễ cúng Tổ đình vào ngày 16 tháng 8 (âm lịch).  

Đình Hưng Phú tọa lạc tại số 617/19 Bến Ba Đình, Phường 9, Quận 8, được dân làng thôn Hưng Phú

Đình Vĩnh Hội được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 4345/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2008.

4. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố Đình Phong Phú:

Đình Phong Phú được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII bên bờ Kinh Đôi. Khoảng năm 1917, đình được dời đến vị trí hiện nay (số 46 đường Phong Phú, Phường 12, Quận 8). Đình là nhà việc của thôn Phong Phú, nơi thờ phụng các vị Thần linh theo tín ngưỡng dân gian: Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Tả Ban, Hữu Ban, Chúa Sinh Nương Nương, Ngũ Hành Nương Nương, Thần Hổ, Quan Thánh Đế Quân, Phúc Đức Chính Thần...

Đình hiện vẫn giữ được kiến trúc cổ của đình Nam Bộ. Chính điện là ngôi nhà gỗ năm gian, mái ngói. Các khám thờ, bao lam, hoành phi, liễn đối có nội dung ca ngợi Thánh Thần, cầu mong làng xã bình an, thịnh vượng, được trang trí sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo các đề tài mai, lan, trúc, cúc, chim hạc, chim sẻ, long, lân, qui, phụng… Đặc biệt, đình có nhiều hiện vật bằng đồng có giá trị nghệ thuật cao như đỉnh trầm hình trái đào, đỉnh trầm hình mắt tre, bộ binh khí …

Tín ngưỡng dân gian qua việc thờ cúng và lễ hội ở đình thể hiện đậm nét sự giao lưu văn hoá giữa người Hoa với người Việt. Các lễ hội quan trọng hàng năm (theo âm lịch) ở đình gồm: ngày 17 tháng Giêng âm lịch Lễ Kỳ Yên; ngày 17 tháng 3 lễ vía Chúa Sinh Nương Nương; ngày 24 tháng 6 lễ vía Quan Đế; ngày mồng 9 tháng 9 Quan Thánh Đế quân hiển thánh…

Đình Phong Phú được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 1766/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2009.

5. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm:

Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm tọa lạc tại số 154 đường Tùng Thiện Vương, Phường 11, Quận 8.

Chùa do bà Chiêm Thị Mai xây dựng hơn một trăm năm, được trùng tu vào năm Nhâm Tý (1912). Kiến trúc chùa thuộc hệ phái Lâm Tế, cùng hệ phái với các chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên và chùa Sắc Tứ Từ Ân… Diện tích khuôn viên khoảng 1.200m2, gồm hai khu vực: khu vực ngôi chùa cổ ở phía bên phải; khu tăng đường, lớp sơ cấp Phật học Quận 8 ở phía bên trái. Phía trước khu tăng đường có ngôi mộ tháp của Hòa thượng Thích Chí Đạo húy Hồng Cẩn, đệ tử đời thứ 40 của dòng Lâm Tế chính tông.

Chùa còn giữ được kiến trúc cổ với nếp nhà năm gian, hai chái, bộ khung chịu lực gồm 48 cột gỗ quý, mái ngói, vì kèo bằng gỗ. Nội thất chùa gồm chính điện, tổ đường và trai đường. Ngoài ba gian thờ Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, ở chính điện còn thờ Phật A Di Đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Thập điện Diêm Vương, Quan Đế, Địa Mẫu, Phúc Đức Chính Thần, Định Phúc Táo Quân, Chúa Tiên Nương Nương, Hộ Pháp, Tiêu Diện và Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tổ đường thờ Tổ Sư Đạt Ma và linh vị của các hòa thượng từ đời thứ 37 đến đời thứ 43 của dòng Lâm Tế.

Chùa còn lưu giữ một số hiện vật và tượng thờ bằng gỗ quý (thế kỷ XIX) như: bộ tượng Thập điện Diêm Vương và bốn Phán quan, bộ tượng Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu, tượng Hộ Pháp, tượng Tiêu Diện Đại Sĩ… Tiêu biểu là bộ sám bài gồm năm bức phù điêu chạm nổi hình Phật Thích Ca tọa thiền trên tòa sen, các vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí ngồi trên linh thú…

Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 186/2005/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2005.

6. Di tích Lịch sử cấp Thành phố Chùa Pháp Quang

Chùa Pháp Quang tọa lạc tại số 71 đường Quốc lộ 50 (đường Liên tỉnh 5 cũ). Chùa do nhà sư yêu nước Đạt Đạo (tức Lê Thị Tình) xây dựng từ năm 1948, diện tích 2.599m2, kiến trúc theo môn phái Thiên Thai giáo quán tông. Bên dưới các dãy nhà, ban thờ được xây dựng nhiều hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ và in ấn tài liệu cách mạng.

Chùa là cơ sở cách mạng của Liên quận 7 - 8 từ năm 1963 đến năm  1975. Các đồng chí Chín Phướng, Nguyễn Ngọc Ân (Thích Huệ Hiền), Nguyễn Ngọc Ảnh (tức Hòa thượng Nguyễn Ngọc Ảnh) và sư Huệ Văn đã đến chùa trú ẩn và hoạt động. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu liên quan đến phong trào đấu tranh của lực lượng Phật giáo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ: nơi các giới Phật tử tăng ni tiến bộ với danh nghĩa truyền giáo để tập hợp quần chúng biểu tình đòi quyền dân sinh dân chủ, chống bắt lính; tổ chức in ấn tài liệu tuyên truyền đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris (năm 1973). Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4 năm 1975), chùa đã quyên góp được 02 tấn gạo, 800 khẩu súng, đạn các loại, cờ, xe hoa tuyên truyền và tổ chức đón tiếp cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng Cánh quân Tây Nam vào giải phóng Sài Gòn…

Những hoạt động cách mạng tại chùa thể hiện sự sáng tạo của Đảng trong tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chùa Pháp Quang được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2009.

7. Di tích lịch sử cấp thành phố Chùa Thiên Phước

Chùa Thiên Phước tọa lạc tại số 1581 đường Phạm Thế Hiển, Phường 6, Quận 8. Chùa được xây dựng vào năm 1956. Từ năm 1964, chùa được tu sửa và xây dựng hầm bí mật để nuôi dấu cán bộ, chứa vũ khí phục vụ cách mạng và 01 bệ tượng Phật (cao 10m) đặt trên sân thượng làm bệ bắn và quan sát hoạt động ở các  đồn bốt địch quanh khu vực chùa. Ngoài ra, chùa còn xây dựng “Thiên Phước Am” (Thủ Đức) làm cơ sở liên lạc với căn cứ kháng chiến (giai đoạn 1969 – 1975).

Chùa là cơ sở của Cánh Tây Nam (Sài Gòn - Gia Định) và Ban cán sự Đảng Liên quận 7 - 8 (sau này gọi là Quận ủy) từ năm 1964 - 1975. Các đồng chí Nguyễn Văn Thuyền (Ba Tôn) - Bí thư Liên quận 7 - 8; Nguyễn Thị Phướng, đặc trách Liên quận 7 - 8 và Nguyễn Ngọc Ảnh, Nguyễn Ngọc Ân, cán bộ Phân ban Tây Nam và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã bí mật trú ẩn tại chùa để hoạt động, chiến đấu. Đặc biệt , trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chùa là nơi cất dấu vũ khí và trú ém của Tiểu đoàn 6 đánh bót Trần Văn Châu. Hầm bí mật trong chùa là nơi in tài liệu và khẩu hiệu để tuyên truyền trong giới Phật tử, kêu gọi đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris (1973); chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4 năm 1975), chùa đã tổ chức vận động, quyên góp nhiều tấn lương thực, thực phẩm, hàng trăm cờ mặt trận và vũ khí… để đón cánh quân Tây Nam vào giải phóng Sài Gòn (ngày 30 tháng 4 năm 1975).

Chùa là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu của quân và dân Liên quận 7 - 8 (tức Quận 8 ngày nay), góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chùa Thiên Phước được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 1763/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2009.

Trước yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ đổi mới, năm 2005, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 23 - 11 hàng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam nhằm “Phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày di sản văn hóa việt Nam là: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là trách nhiệm và ý thức của cộng đồng và mỗi cá nhân nhằm tuyên truyền, giáo dục bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ta trong thời đại mới.

 

Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 8


Số lượt người xem: 428    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm