SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
1
1
5
1
2
2
Đề cương tuyên truyền 30 Tháng Tư 2022 3:40:00 CH

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

I. KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2022)

Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội (XHCN), phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao.

Trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc ta.

Nhưng với những mưu đồ đã dự tính từ trước, đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất cẳng Pháp, gạt bỏ những thế lực tay sai của Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước ta. Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp “tố cộng”, “diệt cộng”  đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước, trả thù những người kháng chiến cũ, tiêu diệt cơ sở cách mạng ở miền Nam, ban hành Luật 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, biến cả miền Nam thành nơi tràn ngập nhà tù, trại giam, trại tập trung. Cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu.

Đứng trước tình thế mới, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Một là cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ vững mạnh của cách mạng cả nước. Hai là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà. Thực hiện nhiệm vụ trên, miền Bắc tích cực triển khai những công việc bộn bề sau chiến tranh, nhanh chóng tổ chức cuộc sống mới. Trong ba năm (1958 - 1960), chúng ta đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo XHCN, căn bản xoá bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên CNXH, chuẩn bị một số nội dung cho cách mạng cả nước trong giai đoạn mới. Ở miền Nam, cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng đại bộ phận nhân dân vẫn một lòng theo Đảng, bất khuất chống áp bức, khủng bố, bảo vệ lực lượng cách mạng. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; phản ánh đúng nhu cầu của lịch sử, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên đấu tranh, tạo ra phong trào Đồng khởi (1959 - 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.

Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược, đưa 10 triệu nông dân miền Nam vào các trại tập trung, tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai. Trên miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.

Trước nguy cơ phá sản của “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân, ngụy quyền để bình định, kìm kẹp nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa 1965 đến hết 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược Mỹ ngay từ những trận đầu khi chúng vừa đổ bộ vào. Tiếp theo những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Đất Cuốc, Bầu Bàng, ta lại đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9, đồng bằng Nam Bộ và các mục tiêu chủ yếu của địch ở các thành phố lớn. Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.

Từ năm 1969, đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, từng bước mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Thủ đoạn xảo quyệt của Mỹ là thực hiện chiến tranh hủy diệt và chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên cả hai miền Nam - Bắc. Quân và dân ta phối hợp với quân, dân hai nước Lào, Campuchia đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Những thắng lợi của chiến tranh cách mạng ba nước Đông Dương trong hai năm 1970 - 1971 đã tạo thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nhờ chuẩn bị tốt lực lượng, nhằm đúng thời cơ, quân và dân ta đã liên tiếp giành thắng lợi lớn trên chiến trường, nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ở miền Bắc, nổi bật là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa “đánh và đàm”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam. So sánh lực lượng thay đổi hẳn, có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tăng cường tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy lấn đất, giành dân, khống chế nhân dân, thực hiện các hoạt động ngoại giao xảo quyệt để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Đến tháng 5/1973, xu thế chống phá Hiệp định Paris của địch ngày càng tăng. Chúng điên cuồng đánh phá hòng xoá bỏ vùng giải phóng của ta, đẩy lùi lực lượng cách mạng.

Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Nửa cuối năm 1974, cuộc chiến tranh của quân và dân ta ở miền Nam chống lại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” đã giành được thắng lợi. Ta ngày càng mạnh lên, ngụy ngày càng suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ. Tháng 7/1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi toàn miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.

 Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4. Qua gần 2 tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập tự do và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

II. KỶ NIỆM 136 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (01/5/1886 - 01/5/2022)

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; ở một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ...phát triến mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.

Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C.Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9năm 1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.

Nước Mỹ, từ một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào châu Âu, đã mở rộng sản suất, nhanh chóng phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Thành phố Chi-ca-gô trở thành trung tâm thương nghiệp của Mỹ. Nước Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14-18 giờ, phụ nữ quần quật lao động không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng 1/2 nam giới và suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày.

Ngày 1 tháng 5 năm 1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn lao động M, hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc).

Khu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nước Mỹ lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan.. .tố chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.

Đ ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14 tháng 7 năm 1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trỏ thành ngày Quốc tế Lao động.

Tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng xác định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (GCCN) Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1 tháng 5 năm 1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng nông dân mít tinh biếu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với CNLĐ thế giới.

Ngày 18 tháng 2 năm 1946, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghi lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1 tháng 5 năm 1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đó, Ngày Quốc tế Lao động (1/5) hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của GCCN và nhân dân lao động Việt Nam.

Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

III. KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2022)

Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Để cứu vãn tình thế, bước vào Thu - Đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Nava tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam và bình định cả Nam Đông Dương. Kế hoạch Nava là kế hoạch chung, là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhằm giành lại thế chủ động có tính quyết định về quân sự trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị có lợi cho chúng. Để đạt được mục tiêu đó, Pháp và Mỹ đã lập kế hoạch đến năm 1954 quân chủ lực Pháp có 7 sư đoàn cơ động chiến lược với 27 binh đoàn làm nắm đấm thép.

Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh, chọn những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Đông Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng của địch, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp chiến trường Đông Dương, đẩy chúng vào tình thế bị động chiến lược. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy là kế hoạch nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã liên tiếp cho tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Địch đã cho tập trung ở đây 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương, qua đó, biến Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Nava coi Điện Biên Phủ như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Điện Biên Phủ đã trở thành quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.

Trước tình hình đó, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định, Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhưng chỗ yếu cơ bản của địch là bị cô lập. Về phía ta, Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay; diễn ra trên địa bàn rừng núi hiểm trở, đường cơ động cho pháo khó khăn, thời gian chuẩn bị cho chiến dịch gấp, nhưng có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng. Khó khăn lớn nhất của ta là vấn đề cung cấp hậu cần nhưng chúng ta có thể khắc phục được. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000. Chấp hành quyết định của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. 261.451 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã đưa ra quyết định đúng đắn: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là quyết định đúng đắn nhưng ta cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, thời gian tác chiến dài hơn, cách đánh cũng khác nên có những việc ta phải chuẩn bị lại từ đầu, nhất là việc tổ chức, bố trí hệ thống hoả lực chiến dịch. Với địa hình hiểm trở, pháo của ta kéo vào tập trung tại trận địa đã khó khăn, nay thay đổi phương châm tác chiến lại phải kéo pháo phân tán ra các trận địa mới trên các điểm cao tạo thành vòng cung bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, để bắn trực tiếp vào các mục tiêu dưới lòng chảo càng khó khăn hơn. Với tinh thần quả cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tìm mọi cách vượt qua thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.   

Trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ đã diễn ra 3 đợt.

Đợt 1: Từ ngày 13/3 đến 17/3/1954, quân ta đã mưu trí, dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pirốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát.

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Nava hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2  khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 06/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

IV. KỶ NIỆM 132 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2022) VÀ 11 NĂM NGÀY BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (05/6/1976 - 05/6/2022)

Chủ tịch Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ của Người là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước, thương dân. Thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan, một phụ nữ thông minh đảm đang, giàu tình thương đối với mọi người, đối với bà con làng xóm.

Từ thuở thiếu niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm của dân tộc. Người lại được giáo huấn trong gia đình nho sĩ, thừa hưởng văn hóa của mảnh đất Hồng Lam - mảnh đất chịu nhiều đau thương, nhưng vô cùng quật khởi. Vốn có tư chất thông minh, tư duy độc lập, khi chứng kiến cảnh nước mất nhà tan và Nhân dân khốn khổ, Người đã sớm hun đúc ý chí, khát vọng giành độc lập tự do cho đất nước, cho Nhân dân.

Khâm phục trước tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối cách mạng nhưng Người đã sớm nhìn ra những sai lầm, hạn chế của các bậc sĩ phu đương thời và quyết chí đi tìm con đường cứu nước mới. Với nghị lực phi thường và khát vọng cháy bỏng, Người đã quyết chí đi sang phương Tây để tận mắt chứng kiến đất nước của những kẻ đã tới thôn tính dân tộc mình, mong tìm ra con đường giải phóng dân tộc.

Vào ngày 05 tháng 6 năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng với tên gọi Văn Ba, Người đã lên tàu buôn để đi Mác-xây (Pháp), bắt đầu cuộc hành trình hơn 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước. Trong khoảng thời gian này, Người đã mở rộng tình thương với đồng bào mình, với dân tộc mình tới tình thương nhân loại, với mọi dân tộc bị áp bức. Người đã đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, giải phóng các dân tộc bị áp bức trên thế giới và tích cực hoạt động nhằm đoàn kết các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

Dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và bản Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tháng 12 năm 1920, Người tham dự Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người Cộng sản đầu tiên của đất nướcViệt Nam. Từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản và cũng từ đó Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Người lao vào hoạt động để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng cách mạng của mình vào phong trào yêu nước, phong trào công nhân Việt Nam và chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam.

Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào ngày 03 tháng 02 năm 1930 trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức đảng, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định. Điều này không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc, mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bất diệt, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc vào ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.

Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, lèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, chông gai, để bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù.

Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của thực dân, đế quốc, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối, góp phần hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Có thể nói, cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tuổi thiếu niên cho đến giây phút cuối cùng, Người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt và đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Hoài bão lớn nhất của Người là Tổ quốc được giải phóng, Nhân dân được hạnh phúc. Người đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nước, yêu Nhân dân tha thiết, đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương, vì nước, vì dân, vì Đảng; một trí tuệ anh minh, mẫn tiệp; một tầm nhìn xa rộng và sâu sắc; một mẫu mực tuyệt vời về cách sống, cách nghĩ, cách viết, cách nói, cách làm việc hăng say, đầy trách nhiệm.

V. KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUẬN 8 (20/5/1976 - 20/5/2022)

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta đã kết thúc với chiến thắng oanh liệt của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để nước ta tiếp tục nở hoa độc lập, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, non sông thu về một mối. Trong niềm vui chung của dân tộc, Thành phố Sài Gòn - Gia Định được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 02 tháng 7 năm 1976; Quận 7 và Quận 8 cũng được sáp nhập thành Quận 8 từ ngày 20 tháng 5 năm 1976. Từ những ngày đầu mới thành lập, Quận 8 được đánh giá là một quận nghèo vùng ven, mang sắc thái của một vùng quê miền Tây Nam Bộ, địa bàn bị chia cắt bởi nhiều sông rạch chằng chịt. Dân số lúc đó khoảng 200.000 người cư ngụ ở 22 phường (sau đó sáp nhập còn 16 phường). Đa số người dân sống bằng nghề nông, lao động phổ thông, buôn bán nhỏ, làm thuê, vác mướn,… Thuở ấy, người ta quen gọi là quận “3 không” vì “Không trung tâm thương mại, không bệnh viện, không đèn xanh - đèn đỏ”. Quận chỉ có 2 trục đường chính là Phạm Thế Hiển và Bến Nguyễn Duy trải dài đôi bờ sông Kênh Đôi, cùng tuyến đường cắt ngang từ Tỉnh lộ 50 đến Tùng Thiện Vương.

Ngày ấy, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng của quận đã rất thấp kém lại khó khăn hơn trong bối cảnh chung của đất nước sau khi kết thúc chiến tranh. Đội ngũ cán bộ lúc bấy giờ tập hợp từ nhiều nguồn, giàu nhiệt huyết, nhưng còn thiếu về kinh nghiệm quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Đảng bộ quận được thành lập với 580 đảng viên phải gánh vác trọng trách lãnh đạo, xây dựng hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương. Bù lại, nhiều phong trào mang tính tự nguyện trong các tầng lớp nhân dân được phát huy cao độ, đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng chính quyền non trẻ, giữ vững tình hình an ninh chính trị, ổn định trật tự xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế, phong trào xóa đói, xóa mù chữ, xóa tàn dư văn hóa độc hại, hưởng ứng chủ trương giãn dân xây dựng những vùng kinh tế mới, phong trào thủy lợi, thanh niên xung phong, thanh niên bảo vệ Thành phố,…

Những bước đi đầu tiên trong các phong trào ngày ấy, đến nay vẫn còn in đậm những kỷ niệm vui, buồn, đầy thử thách với bao lớp cán bộ và Nhân dân, tạo đà cho bước phát triển ngày càng tốt hơn cho Quận 8 ngày nay.

Bốn mươi lăm năm trôi qua, từ một quận nghèo vùng ven, Quận 8 nay đã trở thành một quận nội thị đang trên đà phát triển; từ một vùng đất có diện tích nông nghiệp lớn với khoảng 2/3 bị hoang hóa, nay đang trong tiến trình đô thị hóa với nhiều khu dân cư mới hình thành và nhiều dãy nhà cao tầng; những khu nhà ở lụp xụp trên và ven kênh rạch đang được Đảng bộ triển khai các dự án để chỉnh trang; hệ thống giao thông cầu, đường kết nối giữa Quận 8 với các quận và vùng lân cận được đầu tư nâng cấp và xây mới. Ngày ấy, để sang được các quận nội thành, Quận 8 chỉ có hai cây cầu huyết mạch được xây từ thời Pháp thuộc là cầu Chữ Y và cầu Chà Và thì nay đã được nâng cấp, còn có thêm những cây cầu mới Chánh Hưng, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Cừ, Nhị Thiên Đường 2…

Kinh tế - xã hội của quận phát triển, giao thương thuận lợi đã kéo theo mật độ dân số tăng cao hơn gấp đôi ngày trước, khiến áp lực về dân số, người nghèo, việc làm,… luôn là vấn đề cần tập trung giải quyết của quận. Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, các hoạt động nghĩa tình không ngừng được vun đắp; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của người dân được cải thiện; đời sống văn hóa và sự nghiệp giáo dục cũng được nâng cao. Nếu như trước đây, toàn quận chỉ có 02 trường THPT (Lương Văn Can và Ngô Gia Tự), cùng với một số trường tiểu học và THCS, nhiều nơi còn phải trưng dụng nhà dân để làm nhà trẻ, mẫu giáo thì giờ đây, nhờ chủ trương ưu tiên đầu tư cho giáo dục, Quận 8 đã có 05 trường THPT cùng 12 trường mầm non, tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia, không còn tình trạng học ca 3, hoàn thành cơ bản việc phổ cập trung học, chất lượng giáo dục được nâng cao, học sinh giỏi ngày càng nhiều, thương hiệu một số trường đã được nhiều nơi biết đến, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm dần hàng năm. Ngành giáo dục và đào tạo quận liên tục đạt lá cờ đầu trong phong trào thi đua ngành của Thành phố trong ba năm liền 2018, 2019 và 2020. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Quận 8 đã tập trung triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ quận đã đề ra, nhất là trên lĩnh vực phát triển kinh tế và công tác giảm nghèo bền vững: tổng thu ngân sách hàng năm đều đạt và tăng so với chỉ tiêu được giao (trung bình hàng năm thu trên 1.500 tỷ đồng); tỷ lệ hộ nghèo đạt dưới 0,5% trên tổng số hộ dân; đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 31 trường học; thường xuyên quan tâm, chăm lo các trường hợp hộ nghèo, khó khăn đặc biệt bị bệnh nan y với tổng số tiền 1,116 tỷ đồng.

Trải qua 12 kỳ đại hội, Đảng bộ Quận 8 đã không ngừng trưởng thành về bản lĩnh, trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, cùng có chung một tâm huyết đưa Quận 8 ngày càng phát triển. Nhiều thế hệ lãnh đạo của quận cũng để lại dấu ấn vì sự nghiệp chung ngay từ những ngày đầu thành lập quận còn nhiều khó khăn; cho đến những bước đi trong thời kỳ đổi mới với nhiều thách thức, đôi khi thất bại rồi lại thành công; tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh đã làm thay đổi vùng đất Quận 8. Đội ngũ đảng viên của Đảng bộ giờ đây đã hơn 7.000, nhiều đồng chí thật sự tiên phong, gương mẫu, ngày đêm tận tụy với công việc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Nhiều cán bộ hưu trí vẫn nhiệt tình tham gia xây dựng Đảng, xây dựng địa phương. Đội ngũ cán bộ đang công tác qua đào tạo bồi dưỡng đã trưởng thành về bản lĩnh, kinh nghiệm, kế thừa có hiệu quả những người đi trước trong việc lo cho nước, lo cho dân. Các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn làm tròn vai trò, nhiệm vụ được phân công.

Bốn mươi sáu năm kể từ ngày thành lập, Quận 8 giờ đây tuy đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để trở thành một quận văn minh, hiện đại. Đặc biệt, trong năm 2021, Quận 8 là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Quận 8 đã dần khống chế được dịch bệnh, “lội ngược dòng” chuyển từ “vùng đỏ” sang “vùng xanh” và liên tục được giữ vững thành quả ấy cho đến nay. Đại dịch đã qua đi, cuộc sống của người dân đã dần trở lại bình thường, kinh tế - xã hội trên địa bàn quận cũng đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh hơn so với kỳ vọng. Tuy nhiên, để có thể theo kịp với sự phát triển của các quận lân cận thì ngoài quyết tâm chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quận 8 phải tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo, chịu khó suy nghĩ, tìm tòi các giải pháp, với các bước đi rút ngắn có tính đột phá, cùng với việc tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Thành phố. Trước mắt, từ nay đến năm 2025, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quận 8 phải “đồng tâm, chung sức” giải các bài toán cho sự phát triển về tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của quận theo hướng dịch vụ - thương mại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm về cầu, đường, các cơ sở giáo dục, y tế, công trình phúc lợi công cộng; tập trung hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị, nhà ở ven và trên kênh rạch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XII đã đề ra; tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân thông qua thực hiện chương trình “Giảm nghèo bền vững”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi đôi với tăng cường công tác bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân và tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở địa phương. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững mạnh, xây dựng quận thành khu vực phòng thủ vững chắc bảo vệ Thành phố, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị và tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Để giải những bài toán trên, phải tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền từ quận đến cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Mặt trận và các đoàn thể để không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, động viên Nhân dân cùng đóng góp công sức, trí tuệ, sự năng động sáng tạo vì sự nghiệp phát triển địa phương, xây dựng một Quận 8 “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN 8


Số lượt người xem: 363    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
MỘT SỐ ĐIỂM NỔI BẬT TRONG LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ NĂM 2023
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NỔI BẬT TRONG LUẬT GIÁ NĂM 2023
QUẬN 8: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC
Chiều ngày 10/4/2024, Công an Quận 8 phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo quận tổ chức lễ ký kết kế hoạch phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy, bạo lực học đường, bảo đảm an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: ...
MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HỢP TÁC XÃ NĂM 2023
MỘT SỐ QUY ĐỊNH AN TOÀN GIAO THÔNG HỌC SINH CẦN LƯU Ý
  Tổ chức truyền thông, thực hiện Trợ giúp pháp lý cho Người dân tộc thiểu số và Người khuyết tật trên địa bàn Phường 13  (06/04)
  Một số quy định pháp luật và chính sách đối với dân quân tự vệ  (28/03)
  Một số quy định pháp luật và chính sách đối với thanh niên  (27/03)
  Hướng dẫn người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh thay đổi thông tin đăng ký thuế tại ứng dụng Etax Mobile  (25/03)
  Một số điểm nổi bật trong luật phòng thủ dân sự năm 2023  (23/03)
  Một số điểm mới trong luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023  (23/03)
  Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2023  (15/03)
  • Không tiêu đề
Object reference not set to an instance of an object.
Tìm kiếm