SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
3
3
9
0
5
7
Đề cương tuyên truyền 01 Tháng Chín 2011 3:05:00 CH

Nội dung cơ bản Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng 2010

Ngày 17-11-2010, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (BVQL NTD). Luật được áp dụng đối với người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Luật này thay thế cho Pháp lệnh BVQL NTD năm 1999. Sự ra đời của Luật này đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BVQL NTD, đáp ứng kịp thời yêu cầu BVQL NTD trong nền kinh tế thị trường.

So với quy định trước đây về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật BVQL NTD 2010 có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là những quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện một số hành vi như: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân; Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng; Ép buộc người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, khắc phục những bất cập trong Pháp lệnh BVQL NTD năm 1999 trong vấn đề kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, Luật yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Có 15 điểm mới trong Luật BVQL NTD, phù hợp với thực tiễn và các thông lệ quốc tế. Cụ thể: người tiêu dùng được bảo vệ thông tin cá nhân; quy định trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ; quy định trách nhiệm thu hồi hàng hóa; bồi thường hàng hóa...

Theo quy định mới của Luật BVQL NTD, trước những vụ việc như gian lận xăng dầu, nước tương chứa 3MPCD hay mới đây là các loại thạch có chứa chất tạo đục DEHP…, người tiêu dùng sẽ được miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi trong vụ án. Nghĩa vụ chứng minh không có lỗi sẽ thuộc về nhà sản xuất. Cùng với đó, còn có những điều khoản tạo thêm quyền lợi cho người tiêu dùng như: Việc khởi kiện sẽ được giải quyết trong tòa án 1 cấp với thủ tục rút gọn. Cụ thể, trong 3 ngày, kể từ khi nhận được đơn khởi kiện, tòa án nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thụ lý vụ án, trong vòng 10 ngày phải đưa ra xét xử công khai.

Luật cũng bổ sung một số quyền quan trọng khác cho người tiêu dùng, trong đó có quyền được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Đây là vấn đề đang gây rất nhiều bức xúc cho người tiêu dùng khi thông tin cá nhân bị rò rỉ, thậm chí bị người cung cấp hàng hóa, dịch vụ lợi dụng, “bán đứng” vì mục đích thương mại như thư rác quảng cáo qua e-mail; tin nhắn quảng cáo, tiếp thị qua điện thoại… Trong khi đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ lại bị ràng buộc nhiều nghĩa vụ, điều kiện khắt khe hơn. Nổi bật là quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng. Lần đầu tiên, Luật thẳng tay bác bỏ, không thừa nhận những thỏa thuận bị cho là bất lợi đối với người tiêu dùng. Ví dụ: Các thỏa thuận làm loại trừ trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa; hạn chế, triệt tiêu quyền khiếu kiện của người tiêu dùng; cho phép bên cung cấp hàng hóa được đơn phương thay đổi điều kiện hợp đồng đã thỏa thuận trước… Những thỏa thuận như trên, theo quy định, sẽ bị vô hiệu khi có tranh chấp…

Bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ còn bị cấm thực hiện một số hành vi, trong đó đáng chú ý là hành vi quấy rối người tiêu dùng; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch… Cụ thể là không được tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ hai lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

Quy định này sẽ làm cho nhiều người tiêu dùng vui mừng vì từ nay họ không còn bị “tra tấn” bởi những kiểu tiếp thị thiếu văn hóa như qua điện thoại (kể cả vào lúc ngủ trưa), phát tờ rơi trên các giao lộ, mở loa to…

Với một số điều khoản như vậy, đúng là người tiêu dùng đang có nhiều quyền năng hơn, vì theo đó các quy định trong Luật sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Đây được cho là những điểm vàng của Luật BVQL NTD. Cụ thể, Luật không chỉ cho phép các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quyền tự khởi kiện vụ án vì lợi ích công cộng mà còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng (pháp luật hiện hành chỉ cho phép các tổ chức này khởi kiện khi được người tiêu dùng ủy quyền và kinh phí tự lo)…

Ngoài ra, một số phương thức giải quyết tranh chấp cũng được Luật mở ra một cách rõ ràng: thương lượng; hòa giải, trọng tài; thủ tục xét xử rút gọn tại tòa án… Đặc biệt, khi tiến hành vụ kiện dân sự NTD không phải đóng tạm ứng án phí; chỉ cần cung cấp chứng cứ mà không phải chứng minh lỗi của bên cung cấp hàng hóa (nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên cung cấp hàng hóa)…

Cùng với đó, ở Điều 8 Luật cũng quy định rõ ràng 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng: được thông tin; được giáo dục; được lắng nghe; được khiếu nại và bồi thường; được an toàn; được lựa chọn; được sống trong môi trường lành mạnh - bền vững và được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản. Điều đó, thể hiện rõ ràng những quyền lợi của mình và có thể dựa vào đó để tự bảo vệ mình nếu như gặp phải những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Điều này sẽ trở thành “quyền năng” thực thụ của người tiêu dùng.

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Q8)

 


Số lượt người xem: 3366    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm