Sơ nét về Quận 8

Lịch sử hình thành Quận 8

Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập ra phủ Gia Định với 2 huyện Phước Long và Tân Bình, thì vùng Quận 8 lúc bây giờ thuộc về địa bàn Tân Long, huyện Tân Bình.

Đến triều Gia Long, năm Mậu Thìn (1808), huyện Tân Bình trở thành phủ Tân Bình, hai tổng Bình Dương và Tân Long thành huyện, đặt thêm mỗi huyện 2 tổng, lấy hai chữ của huyện đặt lên đầu tên của mỗi tổng. Huyện Bình Dương có hai tổng là Bình Tự và Dương Hoà. Huyện Tân Long có hai tổng là Tân Phong và Long Hưng. Phần đất Quận 8 ngày nay nằm trọn trong địa bàn tổng Tân Phong, dải đất phía Nam thuộc tổng Long Hưng.

Theo danh sách các thôn phường, ấp, điếm do Trịnh Hoài Đất lập trong danh sách. “Gia Định Thành Thông Chí”, đối chiếu với một số địa danh còn tồn tại đến ngày nay, thì dưới triều Gia Long, trên phần đất Quận 8 ngày nay đã có các làng Long Vĩnh, Bình Long, Hiệp Ân, Tân Nhuận, Bình Đăng, Bình Đông, Tứ Xuân, An Phú Tây, ..v.v…

Dưới triều Minh Mạng, dân số đã tăng lên nhiều, ruộng đất cũng đã khai phá thêm. Năm 1836, phái đoàn Trương Quốc Quế, Trương Minh Giảng thực hiện công cuộc đo đạc đại quy mô để lập địa bộ cho từng thôn phường. Nhân dịp này các đơn vị hành chính được điều chỉnh cho phù hợp với địa bàn. Do đó một số tổng và thôn phường được lập thêm. Theo tài liệu nghiên cứu địa bộ về tỉnh Gia Định thời Minh Mạng cho thấy địa bàn Quận 8 bấy giờ gồm nhiều thôn phường thuộc nhiều tổng của hai huyện Bình Dương và Tân Long. Đó là ấp của Bình Thuyên của xứ rạch Ông Lớn thuộc tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, thôn Hưng Thạnh, thôn Tân Quảng thuộc tổng Tân Phong Thượng, thôn Bình Long, thôn Hiệp An, thôn Lương Hoà Đông, thôn Phong Phú, một phần thôn Tân Nhị Đông, thôn Thái Phong, một phần thôn Phong Đước, thuộc tổng Tân Phong Hả, thôn Hoa Mục, thôn Hưng Phú, thôn Long Vĩnh, thôn Tân Thuận, thôn Thuận Đức, thôn Vinh Hội, một phần thôn Chánh Hưng, thuộc tổng Tân Phong Trung, một phần thôn An Phú Tây thuộc tổng Long Hưng Hạ huyện Tân Long.

 

Các thôn ấp trên tồn tại cho đến năm 1859 dưới triều Tự Đức, thực dân Pháp đánh chiếm thành Gia Định và thiết lập nền cai trị thực dân trên toàn Nam Kỳ lục tỉnh. Trên địa bàn Bến Nghé và Sài Gòn là hai trung tâm kinh tế quan trọng, người Pháp cho thành lập hai phố riêng biệt, với tên gọi Thành phố Sài Gòn là vùng Bến Nghé cũ, Thành phố Chợ Lớn là vùng Sài Gòn cũ.

 

Thành phố Chợ Lớn lúc đầu chủ yếu là khu vực buôn bán và sản xuất tiểu thủ công nghệ của người Hoa, diện tích chỉ khoảng một cây số vuông. Sau khi tình hình ổn định, dân chúng hồi cư hay di cư tới làm ăn ngày càng nhiều, phạm vi Thành phố Chợ Lớn được mở rộng. Các làng nông thôn giáp với Thành phố lần lượt được sáp nhập vào, trong đó có các thôn làng nằm dọc theo bờ sông An Thông và Kinh Ruột Ngựa phía Quận 8. Năm 1905, người Pháp cho đào Kinh Tẻ, từ cửa Rạch Bàn giáp sông Sài Gòn nơi cầu Tân Thuận đến sông An Thông, cắt ngang rạch Ông Lớn kéo dài 4.200 mét, làm thủy đạo quan trọng đi xuống miền Tây, ghe thuyền không còn phải vào vàm Bến Nghé ở cầu Khánh Hội nữa. Đoạn cuối kinh này chảy qua địa bàn Quận 8 ở phường 1 và phường 2 ngày nay. Tiếp theo năm 1906 – 1908, người Pháp lại cho đào Kinh Đôi, từ cầu chữ Y, nơi hợp lưu của sông An Thông (Kinh Tàu Hũ) và Kinh Tẻ, đến sông Cần Giuộc dài 8.995 mét, rộng 85 mét. Đất đào kinh được đưa lên hai bờ, tạo mặt bằng cho dân chúng quy tụ đến làm nhà ở đông đúc. Dân số tăng lên nhanh chóng.

 

 Năm 1931, người Pháp sáp nhập hai Thành phố Sài Gòn va Chợ Lớn với nhau thành một đơn vị hành chính duy nhất, gọi là khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Địa bàn Thành phố mới được chia làm 5 quận, cảnh sát coi về an ninh trật tự, còn về mặt hành chính, viên đốc lý Thành phố làm việc trực tiếp với các hộ là đơn vị hành chính hạ tầng. Trên địa bàn Quận 8 lúc đó có một số hộ như hộ 12 ở phường 15, Xóm Củi, hộ 16 ở Phú Định, hộ 17 ở vùng cầu Bà Tàng .v..v…

 

Hệ thống hành chính trên kéo dài cho đến Cách mạng Tháng 8 và suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1963, chính quyền Bảo Đại củng có một số sắp xếp lại đơn vị hành chính của đô thành Sài Gòn, chia lại địa bàn Quận 8 ngày nay lúc đó là Quận 4 và Quận 5.

 

Sau hiệp định Genève, chính quyền Sài Gòn thực hiện một cuộc cải cách rộng lớn ở cơ sở hành chính. Đô thành Sài Gòn được chia thành 8 quận hành chính. Địa bàn Quận 8 ngày nay là địa bàn Quận 7 và Quận 8 mới, mỗi quận chia làm nhiều phường. Mỗi phường chia làm nhiều liên gia. Quận 8 có 5 phường là: Xóm Củi, Hưng Phú, Bình An, Chánh Hưng và Rạch Ông. Quận 7 có 6 phường là phường Cây Sung, Bình Đông, Rạch Cát, Phú Định, Bến Đá và Hàng Thái. Sự thay đổi về mặt hành chính này duy trì đến ngày giải phóng 30 – 4 – 1975.

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chính quyền Cách mạng tổ chức lại các cơ sở hành chính trên địa bàn Thành phố. Các quận, huyện cũng có sự thay đổi, trong đó Quận 7 và Quận 8 cũ được hợp thành Quận 8 với 22 phường mới, tên gọi theo số, từ số 1 đến số 22.

 

Đến ngày 17-7-1986, thực hiện quyết định số 8-HĐBT, các phường của Quận 8 được điều chỉnh lại như sau:

v Sát nhập một phần phường 3 cũ với một phần phường 2 cũ thành phường 3 mới.

v Sát nhập phần còn lại của phường 7 cũ với phường 8 cũ thành phường 5 mới.

v Đổi tên các phường 9 cũ thành phường 6 mới, phường 22 cũ thành phường 7 mới, phường 10 cũ thành phường 8 mới.

v Sát nhập một phần phường 12 cũ với phường 11 cũ thành phường 9 mới.

v Sát nhập phần còn lại của phường 12 cũ với phường 13 cũ thành phường 10 mới.

v Sát nhập một phần phường 15 cũ, một phần phường 16 cũ với phường 14 thành phường 11 mới.

v Đổi tên phần còn lại của phường 16 thành phường 13 mới.

v Sát nhập một phần phường 19 cũ với phường 18 thành phường 14 mới.

v Sát nhập phần còn lại của phường 19 cũ với phường 20 cũ thành phường 15 mới.

v Đổi tên phường 21 cũ thành phường 16 mới.

 

Sau khi điều chỉnh, năm 1986 Quận 8 còn lại 16 phường, gọi tên từ số 1 đến số 16 và sự điều chỉnh ấy kéo dài tới ngày nay.

Như vậy, địa danh Quận 8 chỉ mới xuất hiện các đây gần nửa thế kỷ, nhưng địa bàn của Quận 8 ngày nay đã có cách đây trên 300 năm cùng với lịch sử vùng đất Gia Định lúc bấy giờ.

 

 

 
Tìm kiếm