Vào lúc 16 giờ 47 phút, ngày 12/12/2017, xảy ra cháy tại nhà dân số 1E/6 Cây Sung, Phường 14, Quận 8, nguyên nhân do vứt tàn thuốc lá gây cháy, thiệt hại một số giấy vụn và thùng carton ước tính thành tiền khoảng 300.000 đồng; 08 xe chữa cháy các loại cùng 42 cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 8 đã có mặt nhanh chóng, triển khai 01 máy hút khói, 02 lăng B và 01 đường vòi tiếp nước dập tắt đám cháy chỉ sau 12 phút phát sinh.
Có mặt tại hiện trường vụ cháy, chúng tôi thấy có khoảng hơn 20 bình chữa cháy xách tay các loại được huy động từ các nhà dân lân cận để phục vụ chữa cháy tại chổ, ban đầu khi đám cháy mới phát sinh; tuy không dập tắt được nhưng người dân và các bình chữa cháy xách tay đã góp phần quan trọng kiềm chế không cho ngọn lửa bùng phát, cháy lan sang các vị trí xung quanh, khu dân cư liền kề và gây cháy lớn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản do cháy gây ra, tạo điều kiện thuận lợi để Phòng Cảnh sát PC&CC Quận 8 dập tắt kịp thời, hiệu quả đám cháy.
Vụ cháy này và rất nhiều vụ cháy khác do người dân chủ động kiềm chế, dập tắt trước khi lực lượng Cảnh sát PC&CC đến nơi là minh chứng, khẳng định tính đúng đắn cần phải phát triển mạnh mẽ phong trào toàn dân PC&CC và triển khai thực hiện quyết liệt phương châm bốn tại chỗ trong công tác PC&CC: “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ”.
Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân có mặt cũng như hiện trường để lại, có gần một nữa số bình chữa cháy xách tay mà người dân mang ra không thể sử dụng được do không được kiểm tra, bảo dưỡng và cũng có rất nhiều người dân có mặt tại thời điểm phát sinh cháy không biết sử dụng, sử dụng lúng túng… thậm chí ném cả bình chữa cháy vào khu vực cháy nên đã không dập tắt được ngọn lửa mới phát sinh phải chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.
Phương tiện chữa cháy tại chỗ thì hiện nay rất phong phú, đa dạng, tùy vào tình hình thực tế mà người dân có thể lựa chọn phù hợp và hiệu quả nhất cho các tình huống không may phát sinh cháy, nổ tại nơi ở và làm việc của mình; ví dụ như: đèn chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn thoát nạn… để phục vụ thoát nạn, đầu báo cháy tự động, đầu báo rò rỉ gas… để phát hiện cháy kịp thời, bình chữa cháy xách tay, hệ thống chữa cháy vách tường… để chữa cháy tại chỗ… Đối với các doanh nghiệp, cơ quan, hộ kinh doanh… theo quy định của Luật PC&CC và các văn bản hướng dẫn thi hành thì phải trang bị đầy đủ theo quy định trước khi đi vào hoạt động và đảm bảo việc kiểm tra, bảo dưỡng và sử dụng tốt khi cần.
Tên thực tế hiện nay, xét tại khu vực dân cư, phương tiện chữa cháy còn khá khiêm tốn, thiếu và yếu, chủ yếu là bình chữa cháy xách tay bột và khí CO2, chủ yếu là vận động trang bị nên việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ rất ít thực hiện: có bình từ khi mua về cách hơn năm năm chưa hề đụng đến, nằm yên trong góc bếp, bị hen rỉ vỏ bình, mất kẹp chì, gãy - tét cả đường vòi – loa phun…; có gia đình hơn sáu người mà chỉ có một người biết sử dụng nên khi cháy, nổ xảy ra thì rất khó dùng bình để chữa cháy… Còn tại các cơ quan, doanh nghiệp thì vẫn còn một số trường hợp đối phó là chính, trang bị thiếu, trang bị xong thì không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, khi các đoàn kiểm tra đến thì đầu báo cháy tự động bị hư, vòi bị xì, máy bơm không đủ áp lực, bình chữa cháy bị hen rỉ, đèn chiếu sáng sự cố bị chai pin, công nhân viên sử dụng lúng túng hoặc không biết sử dụng… phải chờ đoàn kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm thì mới chấn chỉnh, chưa mang tính chủ động, tích cực, tự giác cao.
Tất cả chúng ta đều biết rằng hầu hết thảm họa cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người lẫn tài sản đa số bắt đầu từ sự chủ quan, sơ suất rất nhỏ. Và thực tế trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra hơn 3.000 vụ cháy, làm chết 75 người, bị thương 143 người, thiệt hại về tài sản là hơn 1.500 tỷ đồng. Đã đến lúc các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân… phải chủ động, tích cực, tự giác trong việc trang bị, lắp đặt hệ thống phương tiện PC&CC tại nơi ở, nơi làm việc, kinh doanh của mình; tránh đối phó với cơ quan Cảnh sát PC&CC; khi trang bị phải gắn liền với kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hàng tháng; mà đặc biệt phải tham gia học tập, tuyên truyền, huấn luyện kiến thức, kỹ năng PC&CC, sử dụng thành thạo các trang thiết bị - phương tiện đã trang bị, có như vậy mới phát hiện cháy, nổ kịp thời và xử lý hiệu quả. Đừng chỉ để cho có, mà hãy đảm bảo rằng hệ thống phương tiện PC&CC tại cơ quan, doanh nghiệp, nhà của mình sẽ luôn là công cụ bổ trợ đắc lực cho đội ngũ PC&CC tại chỗ khống chế nhanh và kịp thời các sự cố cháy, nổ khi chúng vừa mới phát sinh. Có như thế thì tình hình cháy nổ mới được kiểm soát ngày một tốt hơn./.
Tấn Tài - PHÒNG CẢNH SÁT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY QUẬN 8