CÔNG TRÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH CỦA BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8 “DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA"
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
3
8
4
6
4
Dân ta phải biết sử ta 21 Tháng Mười 2011 2:15:00 SA

8. TRIỆU THỊ TRINH (225 – 248)

Còn gọi : Triệu Trinh Nương, Bà Triệu, Lệ Hải Bà Vương, Nhụy Kiều Tướng Quân.

Là người miền núi vùng Quân Yên, quận Cửu Chân (Thiệu Yên – Thanh Hóa).

Ở vùng Quan Yên có con voi trắng một ngà rất hung dữ, thường về phá hoại mùa màng mọi người đều sợ. Để trừ hại giúp dân, bà Triệu rủ chúng bạn đi vây vắt, lùa voi xuống đầm lầy (vùng sông Cầu Chày), rồi nhảy lên cưỡi đầu voi, cuối cùng đã thuần phục được con voi ấy. Con voi trắng này sau trở thành người bạn trung thành của bà.

Ở buổi đầu cuộc khởi nghĩa, bà Triệu dùng kế cho quân đục vào núi Quan Yên, tạo thành hốc đá, rồi cho người ngồi vào đó mà đọc lời nguyền “Có Bà Triệu tướng, vâng lệnh trời ta, trị voi một ngà, dựng cờ mở nước, lệnh truyền sau trước, theo gót Bà Vương”. Nhờ đó, hàng ngũ dân chúng theo Bà Triệu thêm đông, thế thêm mạnh.

Bà là em gái của Triệu Quốc Đạt, cha mẹ đều mất, bà ở cùng anh và chị dâu. Gặp chị dâu lăng loàn, bà tức giận giết chết rồi vào miền núi rừng Bồ Điền (Hậu Lộc – Thanh Hóa). Hai mươi tuổi chưa chịu lấy chồng. Theo lời kể dân gian, Bà Triệu đã từng có lời thề tràn đầy khí phách “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người khác”. Bà đã dồn tâm lực chiêu nạp trai tráng, luyện tập võ nghệ được mấy ngàn người. Sau bà hợp binh với anh trai Triệu Quốc Đạt nổi dậy. Anh chết, bà được tôn làm chủ soái.

Hình ảnh của Bà Triệu được phác họa trong nhân dân như một nữ tướng oai nghiêm, giúp dân cứu nước “Mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trận”.

Trong nhân dân còn lưu truyền câu ca dao với lòng tôn kính đối với Bà Triệu :

“Ru con, con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi

Muốn coi lên núi mà coi

Có bà Triệu tướng cõi voi bành vàng”.

Còn quân Ngô, sau những lần bị Bà Triệu đánh bại, đã khiếp đảm, thốt lên :

“Hoành qua sát hổ dị

Đối diện Bà Vương nan”

(Múa giáo giết cọp dễ

Đối diện vua Bà khó).

Ngày nay, trên núi Tùng (Triệu Sơn – Thanh Hóa) có lăng bà Triệu, đền thờ chính nằm dưới chân núi Tùng. Ngày 21 tháng 02 âm lịch hàng năm là ngày tưởng nhớ tinh thần kiên trinh bất  khuất của bà.

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY

(Tài liệu tham khảo : Lịch sử Việt Nam, tập 3 của Hội Đồng Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh – Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2007).

 


Số lượt người xem: 4142    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm