SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
2
1
8
0
6
1
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 12 Tháng Năm 2014 2:35:00 CH

Kỳ 66: Nêu cao tinh thần trách nhiệm

Trong xã hội chúng ta hôm nay, tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Vì vậy, việc Trung ương đề ra chủ đề năm 2014 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” là kịp thời, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của quần chúng nhân dân và là dịp để đảng viên, cán bộ công chức tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng của Bác về “nêu cao tinh thần trách nhiệm” trước Đảng, trước dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu nêu cao tinh thần trách nhiệm. Sau cách mạng tháng tám thành công, dù còn rất nhiều việc khó khăn nhưng Bác vẫn dành thời gian để tiếp dân. Lúc bấy giờ rất nhiều đại diện của các đoàn thể đến xin được tiếp kiến, Bác bận tiếp khách đến quá bữa mới xuống ăn cơm. Thấy Bác mệt, anh em trong văn phòng đề nghị xin Bác giảm một số cuộc tiếp khách không cần thiết. Nghe anh em nói xong Bác ân cần bảo:

- “Chính quyền của ta mới thành lập, đồng bào và cán bộ có nhiều điều muốn biết, cần hỏi, nên không có cuộc gặp nào là không cần thiết cả. Hơn thế đây cũng là dịp để chúng ta trình bày rõ chủ trương, chính sách của đoàn thể, chính phủ với đồng bào. Các chú phải luôn nhớ rằng: đừng để người dân cảm thấy đến với chính quyền nhân dân cũng khó như đến với cửa quan ngày trước”. 

Trong cách mạng, Đảng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm. Bác đã thể hiện tinh thần dám chịu trách nhiệm, không né tránh, thay mặt Đảng, Nhà nước xin lỗi nhân dân. Trong thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ nhân dịp cải cách ruộng đất ở miền Bắc căn bản hoàn thành, sau khi nêu những khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong việc đoàn kết nông thôn, việc đánh kẻ địch, việc chấn chỉnh tổ chức, trong chính sách thuế nông nghiệp, Bác Hồ viết: “Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa, nhằm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất”.

Bác Hồ của chúng ta luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình trong từng việc cụ thể, dù là việc lớn hay việc nhỏ. Ngay cả khi tuổi đã cao, Bác nằm trên gường bệnh nhưng hàng ngày Bác vẫn yêu cầu các đồng chí trong cơ quan báo cáo tình hình chiến sự để Bác nắm.

Theo Bác, nêu cao tinh thần trách nhiệm đó là tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao. Với công việc của Đảng, Nhà nước và cấp trên giao, “Bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ, cán bộ, đảng viên phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi, đến chốn”. Nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng có nghĩa là phải ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao thì phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn nhiệm vụ của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, Bác nói:“làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy... là không có tinh thần trách nhiệm”.

            Thực tiễn tại quận 8 chúng ta cho thấy, không ít cán bộ thể hiện được vai trò gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, không chỉ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn trăn trở với những vấn đề dân cần, dân bức xúc, từ đó đề ra chương trình, kế hoạch, kiến nghị cấp trên thực hiện, giải quyết những vấn đề có lợi cho nhân dân, vấn đề dân bức xúc. Điều đó thể hiện rõ ở vai trò các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận, các đồng chí Bí thư chi bộ khu phố. Nhưng chúng ta cũng cần nghiêm túc thấy rằng một bộ phận cán bộ công chức còn lơ là trong công việc, còn làm “được chăng hay chớ”, còn thái độ “vô cảm” trước nhân dân. Những cán bộ này không phải là xấu, nhưng do thiếu thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, đôi khi họ quên nhiệm vụ của mình là phục vụ nhân dân. Vì vậy, đối với những cơ quan có cán bộ như thế trước tiên cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cần đề ra biện pháp giúp đỡ họ.

Để thực hiện tốt trách nhiệm của mình, cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về những vấn đề mới, ra sức rèn luyện đạo đức cách mạng, tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân, “kính dân”, “trọng dân”, xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh trong cuộc sống đời thường; phấn đấu để mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên là một tấm gương sáng trong xã hội.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, là nội dung gắn liền với đời sống thực tiễn, công việc hàng ngày của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và hiệu quả của việc làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ công chức nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình là   góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội, khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

 

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY


Số lượt người xem: 1925    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm