SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
5
8
3
9
4
Tin tức sự kiện 30 Tháng Bảy 2013 9:20:00 SA

Nội dung cơ bản Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

HIỂU LUẬT ĐỂ SỐNG ĐÚNG

Tháng 8/2013

---------

Nội dung cơ bản Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

-------

 

Từ 01/01/2013, với việc Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực, chúng ta có một công cụ pháp lý với nhiều chế tài  mạnh mẽ để bảo vệ tài nguyên nước – bảo vệ cuộc sống của loài người.

Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), lần đầu tiên tài nguyên nước ở nước ta được coi là tài sản, là nguồn lực quốc gia, khai thác nước phải trả tiền, sử dụng nước phải tiết kiệm, hiệu quả...Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã dành một chương riêng quy định về việc bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước. Nhấn mạnh đến việc giám sát tài nguyên nước, quy định cụ thể về khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy...Theo đó, hoạt động khai thác, sử dụng nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước; không xây dựng mới các bệnh viện, cơ sở y tế điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, vui chơi, giải trí tập trung, tuyến giao thông đường thủy, đường bộ, công trình ngầm, công trình cấp, thoát nước, công trình khai thác khoáng sản, nhà máy điện, khu chứa nước thải và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... phải có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước phải xây dựng và thực hiện các biện pháp để kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Điểm mới nữa là Bộ TN&MT có trách nhiệm quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nguồn nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.

UBND cấp tỉnh quan trắc, giám sát đối với các nguồn nước nội tỉnh. Quan trắc để giám sát chặt chẽ chất lượng nước để có hành động bảo vệ kịp thời. Tổ chức, cá nhân khai thác nước phục vụ cho sinh hoạt phải thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác; đồng thời có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước đang khai thác.

Nhận thức được tầm quan trọng ngày càng to lớn của rừng đối với việc bảo vệ tài nguyên nước, Luật đã dành một điều quy định về bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy. Theo đó, các nhà đầu tư xây dựng hồ chứa, chủ các dự án khai thác, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có sử dụng hoặc làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phải trồng bù diện tích rừng đã bị mất do việc xây dựng công trình hoặc đóng góp kinh phí trồng rừng trong trường hợp địa phương không bố trí được quỹ đất để trồng rừng mới. Đồng thời phải đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa và tham gia bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn.

Hàng loạt các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nước, gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm, đầm phá; sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng… UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cắm mốc chỉ giới và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.

 

 

 

(Ảnh minh họa)

 

UBND cấp tỉnh sẽ xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ TN&MT; công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng các nguồn nước trên địa bàn. UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương./.                     

 

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Quận 8)

 


Số lượt người xem: 3122    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm